Ngày 25/11, TAND TP HCM tiếp tục xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương và 13 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil) và một số cơ quan, đơn vị liên quan.
|
|
Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. |
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát cho biết, vụ án xảy ra tại Xuyên Việt Oil là vụ án có tính chất và mức độ phạm tội thuộc loại đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn; hành vi đưa và nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn. Do đó, việc TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử đã đáp ứng đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Theo đại diện Viện kiểm sát, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) là Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách thuộc tài chính công, tài sản công để tại doanh nghiệp là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Người đại diện pháp luật của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được Nhà nước giao quản lý, sử dụng Quỹ BOG trên cơ sở văn bản điều hành của liên Bộ, Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, khi được Nhà nước giao quản lý, sử dụng Quỹ BOG, Mai Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Thị Như Phương đã vi phạm quy định “nghiêm cấm sử dụng Quỹ Bình ổn giá để cấp vốn kinh doanh hoặc cho các mục đích khác” “phải thực hiện việc trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và báo cáo, công khai theo quy định”; “Hạch toán, kết chuyển Quỹ Bình ổn giá xăng dầu”, đã tạm ứng cho cho hoạt động sản xuất kinh doanh và mục đích cá nhân khác nên việc làm này gây thất thoát hơn 291 tỉ đồng.
Đồng thời, căn cứ Luật Thuế bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, trong đó có hàng hóa là xăng, dầu và thời điểm tính thuế đối với mặt hàng xăng, dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, thời điểm tính thuế là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng, dầu bán ra. Người chịu thuế là người tiêu dùng, số tiền thuế được tính vào giá bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ và đã đưa cho người bán hàng khi mua hàng để người bán hàng thay người mua hàng nộp vào ngân sách nhà nước theo định kỳ hàng tháng. Khi thu hộ tiền Thuế bảo vệ môi trường từ hoạt động kinh doanh xăng dầu, Mai Thị Hồng Hạnh không chuyển nộp đầy đủ số tiền Thuế bảo vệ môi trường đã được Nhà nước giao thu hộ, quản lý vào ngân sách theo quy định mà tạm ứng sử dụng vào các mục đích kinh doanh khác, dẫn đến mất khả năng hoàn trả lại cho ngân sách Nhà nước, gây thất thoát số tiền thu ngân sách Nhà nước là hơn 1.244 tỉ đồng.
|
|
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Quá trình điều tra, truy tố và phần xét hỏi công khai tại phiên tòa xác định, các bị cáo là các cá nhân có thẩm quyền đã nhận tiền của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh để giúp cho Xuyên Việt Oil được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu vào các năm 2016, năm 2021, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra và giám sát Quỹ BOG, được ưu đãi mua hàng và thực hiện hợp đồng mua bán xăng dầu với PVNDB, được Cục thuế TP Hồ Chí Minh chậm ban hành quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế và xin phê duyệt hạn mức tín dụng cho Xuyên Việt Oil tại Vietinbank.
“Quá trình giải quyết vụ án các bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ cho rằng, chỉ nhận quà cảm ơn, quà dịp Lễ, Tết chứ không đòi hỏi không vụ lợi. Đây là sự ngụy biện của các bị cáo, vì việc đưa tiền, tài sản của Hạnh đều gắn với các việc làm cụ thể của các bị cáo nhận hối lộ để giúp cho bị cáo Hạnh đạt được mục đích nói trên. Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho hành vi phạm tội của các bị cáo phạm tội đưa hối lộ, nhận hối lộ” đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm.
Bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu là Phó Vụ trưởng Vụ TTTN Bộ Công thương), sau khi được Mai Thị Hồng Hạnh đặt vấn đề đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để thực hiện hành vi trái pháp luật, tạo điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, mặc dù biết Xuyên Việt Oil không có đủ điều kiện được cấp phép, Nguyễn Lộc An đã hướng dẫn doanh nghiệp hợp thức bằng cách làm trái quy định chuyên ngành để Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép với mục đích để nhận tiền hối lộ của Mai Thị Hồng Hạnh. Bị cáo Nguyễn Lộc An đã 4 lần nhận tiền trực tiếp từ Mai Thị Hồng Hạnh với tổng số tiền là hơn 921 triệu đồng.
|
|
Cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh. |
Bị cáo Đỗ Thắng Hải (nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương), Trần Duy Đông (nguyên Vụ trưởng Vụ TTTN Bộ Công thương) và Hoàng Anh Tuấn (nguyên là Vụ phó Vụ TTTN Bộ Công thương). Sau khi được Mai Thị Hồng Hạnh đặt vấn đề nhờ giúp đỡ, biết rõ công ty của Hạnh không có đủ điều kiện, nhưng các bị cáo đã nhận tiền của Mai Thị Hồng Hạnh để cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Xuyên Việt Oil.
Bị cáo Lê Đức Thọ là Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Vietinbank từ năm 2018 đến hết tháng 6/2021, có thẩm quyền phê duyệt hạn mức, cấp giới hạn tín dụng và xem xét, phê duyệt hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp. Trong thời gian làm Chủ tịch HĐQT Vietinbank, Lê Đức Thọ đã 2 lần nhận hối lộ với tổng số tiền 600.000 USD của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh để giúp Xuyên Việt Oil được cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng năm 2019, 2020.
Về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, tháng 7/2021, bị cáo Lê Đức Thọ là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên là Chủ tịch HĐQT Vietinbank, Lê Đức Thọ đã tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc Vietinbank Bến Tre để Xuyên Việt Oil của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh được thuận lợi vay vốn với hạn mức tín dụng 400 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp của khoản vay là 40%, nhiều lần nhận tiền, tài sản có giá trị từ bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, tổng cộng hơn 22,1 tỉ đồng.
Về vai trò đồng phạm của các bị cáo, trong tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh là người chịu trách nhiệm chính, cao nhất đối với hậu quả thiệt hại; do đó, cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo Hạnh. Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương là người giúp sức, liên đới chịu trách nhiệm với Mai Thị Hồng Hạnh liên quan đến tiền Quỹ BOG bị thất thoát, làm công, hưởng lương, không vụ lợi; nên cần áp dụng mức hình phạt tương xứng, nhẹ hơn bị cáo Hạnh là phù hợp.
|
|
Bị cáo Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương tại phiên tòa. |
Trong nhóm các bị cáo đưa hối lộ, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo. Các bị cáo Nguyễn Văn Thắng, Đồng Xuân Dũng, Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Tấn Long là những đồng phạm giúp sức, chỉ là những người làm công, hưởng lương do bị cáo Hạnh chi trả, thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Hạnh; bị cáo Vũ Trung Thành, vì lợi ích chung, với mong muốn đưa khách hàng về chi nhánh, đã giúp sức Mai Thị Hồng Hạnh đưa hối lộ cho Lê Đức Thọ. Do vậy bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc hơn các bị cáo khác trong vụ án. Bị cáo Nguyễn Văn Thắng trực tiếp đưa tiền cho bị cáo Hoàng Anh Tuấn, tham gia với vai trò tích cực hơn bị cáo Đồng Xuân Dũng, do vậy mức hình phạt đối với bị cáo Thắng cần nghiêm khắc hơn bị cáo Đồng Xuân Dũng. Tuy nhiên, xét tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, cần áp dụng hình phạt cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội trong một thời gian mới có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Riêng các bị cáo: Vũ Trung Thành, Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Tấn Long là những người giúp sức cho Mai Thị Hồng Hạnh, nhưng có vai trò không đáng kể, giữ vị trí thứ yếu; nên không cần thiết cách ly các bị cáo này ra khỏi xã hội là phù hợp hơn.
Đối với các bị cáo Trần Duy Đông, Hoàng Anh Tuấn nhận hối lộ của Mai Thị Hồng Hạnh. Bị cáo Trần Duy Đông với cương vị là Vụ trưởng vụ TTTN là người quản lý, phụ trách chung tại Vụ TTTN, phải chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện công việc của Phó Vụ trưởng (Hoàng Anh Tuấn); bị cáo Hoàng Anh Tuấn được giao trách nhiệm phụ trách lĩnh vực cấp Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Hải, bị cáo Đông, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, xét tính chất mức độ hành vi phạm tội, cần cân nhắc mức hình phạt đối với bị cáo Tuấn cho phù hợp.
|
|
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ tại phiên tòa. |
“Từ những phân tích và đánh giá nêu trên, với phương châm xử lý nghiêm các bị cáo chủ mưu, cầm đầu, bị cáo nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các bị cáo khác. Bên cạnh đó, cần phân hóa giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra, nộp lại số tiền do phạm tội mà có, các bị cáo đồng phạm giúp sức với vai trò không đáng kể, không được hưởng lợi” đại diện Viện kiểm sát nêu rõ.
Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên bố:
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; từ 10 - 12 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt 30 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương từ 6 – 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
bị cáo Lê Đức Thọ từ 15 năm – 15 năm 6 tháng tù về tội Nhận hối lộ; từ 13 năm – 13 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp hình phạt 28 - 29 năm tù.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Trần Duy Đông từ 7 – 8 năm tù, bị cáo Hoàng Anh Tuấn từ 7 – 8 năm tù, bị cáo Lê Duy Minh từ 6 – 7 năm tù, bị cáo Phan Kiến Anh từ 4 – 5 năm tù, bị cáo Đỗ Thắng Hải từ 3 – 4 năm tù, bị cáo Nguyễn Lộc An từ 4 – 5 năm tù, bị cáo Đặng Công Khôi từ 2 – 3 năm tù cùng về tội Nhận hối lộ.
Nhóm các bị cáo Đưa hối lộ: Nguyễn Văn Thắng bị đề nghị tuyên phạt từ 4 – 5 năm tù, Đồng Xuân Dũng từ 30 – 36 tháng tù, Vũ Trung Thành từ 30 – 36 tháng tù treo, Đinh Tiến Dũng từ 18 – 24 tháng tù treo, Nguyễn Tấn Long từ 18 – 24 tháng tù treo.
Về trách nhiệm dân sự, ghi nhận sự tự nguyện khắc phục toàn bộ hậu quả của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, không yêu cầu bị cáo Nguyễn Thị Như Phương phải liên đới bồi thường. Buộc Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh bồi thường hơn 1.463 tỉ đồng.
Các bị cáo Lê Đức Thọ, Trần Duy Đông, Hoàng Anh Tuấn, Phan Kiến Anh, Đỗ Thắng Hải, Đặng Công Khôi, Lê Duy Minh, Nguyễn Lộc An, Nguyễn Văn Thắng đã bồi thường xong trách nhiệm dân sự, đề nghị HĐXX ghi nhận việc bồi thường.
Ghi nhận sự tự nguyện nộp khắc phục hậu quả chung cho vụ án của bị cáo Vũ Trung Thành (300 triệu đồng), Nguyễn Tấn Long (100.000.000 đồng), Đinh Tiến Dũng (30 triệu đồng), Đồng Xuân Dũng (20 triệu đồng) để thu sung vào ngân sách nhà nước./.