Phiên tòa do Thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Bùi Đức Nam và Thẩm phán dự khuyết Ngô Đức Thụ.
|
|
Hội đồng xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, đơn vị liên quan. |
Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa gồm có Kiểm sát viên: Lê Huy Hoàn, Đỗ Mạnh Quang, Nguyễn Thị Lan Anh, Bùi Thị Thu Hương, Nguyễn Hồng Hiệp, Phạm Văn Hiền.
Trong vụ án, bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bị TAND TP HCM xét xử về tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”; Bị cáo Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương tội “Nhận hối lộ”; Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil), tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Đưa hối lộ”. 12 bị cáo còn lại bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”,”Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”.
Tại phiên tòa, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh thừa nhận hành vi đúng như cáo trạng truy tố. Theo bị cáo Hạnh, tất cả các chỉ đạo, hoạt động, kí báo cáo đều do bị cáo chỉ đạo các bị cáo cấp dưới thực hiện. Đối với các phó giám đốc, nhân viên đều là người nhà ở quê vào, ít học và không biết bị cáo làm sai quy định.
|
|
Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. |
Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Như Phương là em gái họ, con gái của chú được bị cáo nhận vào làm việc. Bị cáo Phương không hiểu về hoạt động công ty và thay bị cáo quản lí công ty vì bị cáo hay đi công tác xa.
Bị cáo Đinh Tiến Dũng được bổ nhiệm kế toán trưởng Công ty Xuyên Việt Oil nhưng không thường xuyên ở công ty, chỉ đến công ty 2-3 lần/một tháng khi có việc cần. Bị cáo Nguyễn Tấn Long, Trưởng phòng Kinh doanh Xuyên Việt Oil chỉ có nhiệm vụ ở công ty để bán hàng.
Bị cáo Hạnh cho biết, quá trình làm việc, báo cáo số liệu có trình sao kê cho Bộ Tài chính và Bộ Tài chính thừa biết việc thiếu tiền 219 tỉ đồng. Bộ Tài chính có hối thúc công ty đóng tiền nhưng năm 2022 công ty không hoạt động được, phá sản và việc trả tiền là bất khả kháng.
|
|
Cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. |
Chủ tọa hỏi về việc công ty thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu thì khắc phục 219 tỉ đồng bằng cách nào. Bị cáo Hạnh khai, trước đây có lấy tiền từ công ty ra đầu tư và hiện tại công ty đang sở hữu các tài sản này và thêm các tài sản bị cáo đang sở hữu, nhờ người khác đứng tên giúp sẽ khắc phục hậu quả.
Đối với việc chiếm đoạt 1.244 tỉ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường, cựu Giám đốc Xuyên Việt Oil thừa nhận biết việc thu thuế bảo vệ môi trường là thu từ người dân và phải nộp lại cho nhà nước. Bị cáo Hạnh đã nhận thức hành vi sai trái, ăn năn hối cải và có mong muốn xin thời gian khắc phục hậu quả.
|
|
Bị cáo Đỗ Thắng Hải thừa nhận đây là sai lầm lớn nhất của đời. |
Tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Thắng Hải thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố và xin phép trình bày rõ bối cảnh dẫn tới hành vi sai phạm.
Bị cáo Hải trình bày, làm việc theo chức năng, nhiệm vụ, không tác động và không đòi hỏi lợi ích vật chất từ phía Công ty Xuyên Việt Oil. Việc ký cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Xuyên Việt Oil là làm đúng thẩm quyền và không chỉ đạo cấp dưới làm sai.
Sau khi Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh liên hệ để cảm ơn nhưng bị cáo Hải bận. Trong một lần bị cáo Hải vào TP HCM công tác, bị cáo Hạnh đã xin gặp khoảng 5 phút. Khi cuộc gặp kết thúc thì mới thấy có một túi quà.
“Bị cáo không để ý, đến sau này mở ra xem mới biết có tiền”, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương nói trước tòa và trình bày thêm: “Đây là sai lầm lớn nhất của đời tôi, lúc đầu tôi không chấp nhận và chưa nhận ra hết được lỗi lầm, nhưng khi làm việc với cơ quan điều tra thì đã nhận ra và vô cùng ăn năn hối hận”.
|
|
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, gia đình đã khắc phục toàn bộ số tiền nhận hối lộ nên xin HĐXX xem xét, khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt.
Theo cáo trạng VKSND tối cao, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải bị truy tố tội “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự.
Trong vụ án, bị can Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo khoản 4 Điều 354 và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo khoản 4 Điều 358 Bộ luật Hình sự.
Bị can Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil bị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 và tội “Đưa hối lộ” theo khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Còn bị can Nguyễn Thị Như Phương, Phó Giám đốc Xuyên Việt Oil bị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Các bị can khác bị truy tố tội “Nhận hối lộ”, gồm: Trần Duy Đông, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương); Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương); Lê Duy Minh (cựu Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, cựu Cục trưởng Thuế TP HCM); Đặng Công Khôi (cựu Phó Cục trục Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính); Phan Kiến Anh (cựu Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn).
Có 5 bị can bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, gồm: Nguyễn Văn Thắng (cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Xuyên Việt Oil); Vũ Trung Thành (cựu Giám đốc Viettinbank - chi nhánh Thanh Xuân); Đinh Tiến Dũng (Kế toán trưởng Xuyên Việt Oil); Nguyễn Tấn Long (Trưởng phòng Kinh doanh Xuyên Việt Oil); Đồng Xuân Dũng (lao động tự do).
Để Xuyên Việt Oil được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu vào các năm 2016, năm 2021, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra và giám sát Quỹ Bình ổn giá (BOG), được ưu đãi mua hàng và thực hiện hợp đồng mua bán xăng dầu với Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn, được Cục thuế TP HCM chậm ban hành quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế và xin phê duyệt hạn mức tín dụng cho Xuyên Việt Oil tại Vietinbank, từ năm 2016 đến năm 2022, bị can Mai Thị Hồng Hạnh đưa hối lộ 22 lần, tổng số hơn 31,5 tỉ đồng cho các bị can: Nguyễn Lộc An, Đỗ Thắng Hải, Trần Duy Đông, Hoàng Anh Tuấn, Phan Kiến Anh, Đặng Công Khôi, Lê Duy Minh và Lê Đức Thọ.
Sau khi trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh kinh xăng dầu, Mai Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Như Phương đã vi phạm quy định về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu gây thất thoát hơn 219 tỉ đồng, Mai Thị Hồng Hạnh vi phạm về quản lý, sử dụng tiền Thuế bảo vệ môi trường gây thất thoát hơn 1.244 tỉ đồng./.
|