|
|
Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Trà Vinh, nơi ông thực hiện nhiều hành vi trái quy định và chiếm đoạt tiền ngân sách. Ảnh: Thanh Phong |
Cố ý làm trái quy định Nhà nước
Theo thông lệ hằng năm UBND tỉnh Trà Vinh có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ xin chủ trương dự án đầu tư. Theo đó, tháng 04/2012 UBND tỉnh Trà Vinh có công văn gửi Bộ KH&CN về việc hỗ trợ các vấn đề, nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ, phụ lục kèm theo dự án “Tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vi phẫu sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực tại Trà Vinh”. Tháng 7/2012 Bộ KH&CN phê duyệt danh mục các dự án và ký Quyết định phê duyệt kinh phí dự án với số tiền là 4.000.000.000 đồng (trong đó Trung ương 2.660.000.000 đồng, địa phương 1.340.000.000 đồng).
Ngay sau đó, ông Diệp Văn Sơn cùng ông Nguyễn Thế Ích – Chánh văn phòng chương trình nông thôn miền núi ký hợp đồng với Lê Văn Hồng Anh – Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Trà Vinh (gọi tắt là Trung tâm) để thực hiện dự án với tổng giá trị là số tiền vốn trung ương 2.660.000.000 đồng. Tiếp đó, tháng 7/2014, ông Diệp Văn Sơn tiếp tục ký hợp đồng với ông Lê Hoàng Nhu – Phó Giám đốc Trung tâm để thực hiện dự án với tổng số vốn từ địa phương 1.340.000.000 đồng.
Sau đó, Trung tâm tiến hành tạm ứng tiền từ hai nguồn kinh phí trên để thực hiện dự án. Do mua thức ăn tôm nhỏ, lẻ bên ngoài nên không có chứng từ thanh toán theo những gói thầu được Bộ KH&CN đã phê duyệt. Hơn nữa, từ khi tiếp nhận thực hiện dự án, từ tháng 12/2014 đến tháng 8/2015 Trung tâm chỉ sản xuất được 718.500 con tôm giống. Trong đó, chết 350 con, đưa vào nuôi mô hình 135.200 con, bán 82.500 con, hao hụt 146.800 con.
Lúc này, nhận thấy trại giống không thể sản xuất đủ 3.000.000 con tôm giống theo như thuyết minh dự án với Bộ KH&CN nên ông Trần Hồng Nguyên – Giám đốc Trung tâm và Trần Thanh Phục – Phó giám đốc Trung tâm đã bàn bạc xin ý kiến của ông Diệp Văn Sơn.
Để có thể sản xuất đủ số lượng tôm giống theo đề án, tháng 3/2015, ông Diệp Văn Sơn ký hợp đồng với ông Lê Tân Thới – Giám đốc Trung tâm giống thủy sản Trà Vinh để hỗ trợ sản xuất 2.000.000 con tôm giống. Đến tháng 4/2015 tại cuộc họp giao ban của Sở KH&CN, ông Trần Hồng Nguyên báo cáo ông Diệp Văn Sơn về những khó khăn của Trung tâm liên quan đến tồn nợ tạm ứng không thanh toán được do mua lẻ thức ăn tôm bên ngoài không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Ngay sau đó, ông Sơn chỉ đạo cho ông Trần Văn Út Tám – Trưởng phòng Quản lý khoa học và bà Nguyễn Thị Yến Quyên – Trưởng phòng tài chính kế hoạc hướng dẫn Trung tâm lập thủ tục thanh toán theo quy định.
Tiếp đó, Trần Hồng Nguyên cùng Trần Thanh Phục, Phạm Thanh Hải – Phó Ban quản lý dự án đã bàn bạc ký hợp đồng khống, mua hóa đơn để lập thủ tục thanh toán trừ tạm ứng và nâng khống giá trị thực tế để chi ngoài quy định và chiếm đoạt cá nhân. Cụ thể, lập 7 hợp đồng khống với số tiền 856.603.000 đồng (trong đó chi là 365.097.500 đồng và nâng khống 491.505.500 đồng).
Cấp giấy chứng nhận sai quy định và Cho vay sai đối tượng
Ngày 29/6/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ra Quyết định cấp phép thành lập Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ, trong đó ông Diệp Văn Sơn – Giám đốc Sở KH&CN kiêm chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ.
Tháng 3/2016, ông Sơn Sa Miếch (ngụ tại xã Châu Điền, Cần Kè, Trà Vinh) đến Sở KH&CN làm đơn “đăng ký hoạt động Khoa học và Công nghệ". Sau đó, ông Diệp Văn Sơn đã cấp giấy “Chứng nhận đăng ký hoạt động Khoa học và Công nghệ” cho Cơ sở sản xuất gạch bê tông Sa Miếch hoạt động trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ “sản xuất gạch bê tông”. Việc ông Diệp Văn Sơn cấp giấy này là sai với quy định vì muốn hoạt động Khoa học và Công nghệ thì ít nhất phải có 5 người có trình độ đại học trở lên và người đứng đầu tổ chức phải có trình độ đại học trở lên, nhưng cơ sở của ông Sơn Sa Miếch không ai có trình độ đại học.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận, ông Sơn Sa Miếch làm đơn “đề nghị xin vay vốn” với số tiền 400.000.000 đồng để thực hiện dự án “Ứng dụng thiết bị cuộn ép rơm trong sản xuất nông nghiệp”. Ngay sau đó, Lê Văn Hồng Anh – Giám đốc Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ ký tờ trình gửi ông Diệp Văn Sơn và được đồng ý cho vay vốn mặc dù biết cho ông Sơn Sa Miếch vay là sai đối tượng. Bởi ông Sơn Sa Miếch đăng ký hoạt động Khoa học là “sản xuất gạch bê tông” nhưng lại đề nghị cho vay vốn để thực hiện dự án “Ứng dụng thiết bị cuộn ép rơm trong sản xuất nông nghiệp". Sau đó ông Sơn Sa Miếch bị tai nạn giao thông chết dẫn đến số tiền không thu hồi được, gây thiệt hại cho Nhà nước 400.000.00 đồng.
Bên cạnh đó, trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, ông Diệp Văn Sơn còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao thanh toán tiền thù lao trùng với thời gian đi công tác chiếm đoạt cá nhân số tiền là 7.880.000 đồng và duyệt khống ngày dự họp cho Lê Văn Hồng Anh chiếm đoạt cá nhân số tiền 4.960.000 đồng.
Từ những hành vi phạm tội trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Trà Vinh cho biết đang hoàn tất cáo trạng để truy tố Diệp Văn Sơn cùng các bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng theo điểm d, khoản 2, Điều 165 của Bộ Luật hình sự năm 1999. Tội tham ô tài sản theo khoản 1, Điều 353 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 theo đề nghị của Cơ quan cảnh sát điều tra.
Nam Phong - Thanh Phong