Bà là Hoàng Thị Ninh, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), dù đã gần 80 tuổi nhưng trông bà còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn, nước da hồng hào. Hơn chục năm qua, bà bán nước ven đường dưới gốc cây trứng cá. Mỗi lần đi công tác qua đây, tôi đều ghé chân quán nước của bà. Gọi là quán cho xa xỉ, nhưng thực chất chỉ với 1 cái ô rộng chừng 3-4 m2, chỉ đủ để bà Ninh đặt 1 chiếc bàn gỗ bày biện ít hàng để bán; xung quanh là 3 chiếc ghế băng cũ kĩ. Lúc đông người nhất cũng chỉ ngồi được 6-8 người. Những món hàng bà bán chỉ đơn giản là nước chè, nhân trần, thuốc lào, vài gói bánh kẹo ngọt…
    |
 |
Quán nhỏ ven đường của bà Ninh với vài món hàng đơn giản. |
Suốt 8 năm chiến tranh phá hoại, máy bay và tàu chiến địch đã đánh phá Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) vô cùng ác liệt. Không một xã nào là không bị tàn phá. Tĩnh Gia là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hải Bình là xã ven biển, bên hữu cửa Lạch Bạng. Ngoài khơi cách 8,5 hải lý là cụm đảo Hòn Mê, thuộc địa giới quản lý hành chính của xã Hải Bình. Trong những năm từ 1964 đến 1972, đảo Hòn Mê là trọng điểm bắn phá của máy bay, tàu chiến Mỹ. Chỉ trong 8 năm đó, địch đã sử dụng 1.031 lần máy bay trút xuống đảo 4.236 quả bom sát thương, 11 quả bom nổ chậm, 3 quả bom hóa học, 15 quả bom bi, 206 quả bom xuyên; sử dụng 402 lần tàu chiến và khu trục bắn 17.455 quả đại bác lên đảo.
Ngày đó, sau mỗi lần địch rải bom bắn phá, các chiến sĩ dân quân xã Hải Bình lại tổ chức thu nhặt, chuyển những quả bom, đạn chưa nổ đến nơi quy định. Cũng như mọi lần, trong trận địch bỏ bom xuống đồng muối Tiền Phong, dân quân du kích đã dũng cảm thu nhặt những quả bom chưa nổ. Đặc biệt, sau khi Mỹ rút quân, người dân phát hiện còn sót lại quả bom tấn nằm ở cánh đồng Chon. Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Tịnh (Xã đội trưởng), Trần Văn Toả (Xã đội phó) và bà Hoàng Thị Ninh là những người trực tiếp được thực hiện nhiệm vụ tháo ngòi nổ.
    |
 |
Bà Ninh tái hiện lại hành động tháo bom tấn cách đây hơn 50 năm. |
Bà Ninh kể lại: Ngày đó, tôi được lên huyện huấn luyện kỹ thuật tháo gỡ bom mìn. Sau khi học xong được khoảng 10 ngày thì người dân trong làng phát hiện có quả bom lớn chưa nổ. Lãnh đạo xã đã cắm biển cấm, cảnh báo nguy hiểm nên không ai dám đến gần. Vì mới được huấn luyện nên tôi đã xung phong nhận nhiệm vụ tháo bom. Khi chúng tôi tới thì thấy quả bom đang cắm xiên xuống ruộng lầy, sâu. Tôi đã dùng tay bốc bùn cho tới khi đầu quả bom lộ ra, rồi từ từ xoay cái đầu kích nổ cho tới khi hết zen. Chúng tôi không dám dùng cuốc xẻng hay bất kì vật dụng nào ngoài đôi bàn tay để bốc bùn. Vì chỉ có bàn tay khéo léo mới không sợ va chạm vào quả bom và đảm bảo độ an toàn. Vỏ quả bom dài khoảng 2,5m; đường kính miệng rộng khoảng 50cm, hiện vẫn được lưu giữ đến ngày nay.
Không chỉ có công lớn trong việc tháo quả bom tấn, bà Ninh còn tham gia Ban chấp hành Chi đoàn xóm Liên Hưng, hàng đêm cùng với lực lượng dân quân xã Hải Bình tuần tra dọc bờ biển, kịp thời phát hiện bọn người nhái của địch bơi từ biển vào. Cứ 8 giờ tối, họ lại tập trung toàn bộ lực lượng, phân công nhiệm vụ đi dọc bờ biển trong xã giám sát, bảo vệ sự bình yên cho dân làng. Mỗi lần địch rải bom từ trường, thuỷ lôi, dân quân Hải Bình còn thành lập đội cảm tử để phá dỡ. Những tấm gương ấy đã góp phần làm nên những chiến công của quân, dân địa phương.
Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) cho biết: Địa bàn xã có cả tuyến đường thuỷ, đường bộ Bắc - Nam đi qua, lại gần đường sắt nên được chọn làm nơi tập kết vũ khí, hàng hoá cho các đơn vị bộ đội đảo Mê, quê hương trở thành mục tiêu đánh phá của địch. Hải Bình vốn nổi tiếng là hậu cứ của đảo Hòn Mê Anh hùng, gắn liền với sự kiện dân quân Hải Bình dũng cảm chèo thuyền ra biển bắt sống giặc lái Mỹ và bắn cháy thủy phi cơ Mỹ, ngày 14-3-1966. Cũng những ngày đó, quân và dân Hải Bình đã cùng với quân và dân các xã Mai Lâm, Hải Thanh, Hải Yến, Tĩnh Hải của huyện Tĩnh Gia tiêu diệt một máy bay F4, một máy bay trực thăng, 8 giặc lái, bắn cháy một tàu khu trục Mỹ.
Chiến công vang dội đó được báo cáo lên Bác Hồ và Bác đã viết thư khen ngợi. Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh tặng cờ “Đã đánh là thắng”. Từng người dân, từng thôn xóm kết thành sức mạnh quyết chiến với địch. Năm 2001, với những thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hải Bình vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
    |
 |
Dù tuổi đã cao, bà Ninh vẫn miệt mài lao động. |
Dũng cảm, kiên cường gan dạ trong thời chiến, đảm đang, tảo tần giữa thời bình. Giờ đây, mặc dù tuổi đã cao, con cháu đều đã có cuộc sống ổn định, nhưng bà Ninh vẫn ngày ngày bán nước ven đường để tự mình trang trải cuộc sống. “Con cái vẫn khuyên tôi đừng bán hàng nữa, mẹ già cứ nghỉ ngơi, chúng con sẽ phụng dưỡng mẹ. Nhưng tôi không đồng ý. Tôi thấy mình vẫn còn khỏe và đầu óc tỉnh táo nên không muốn ỷ lại con cháu, mình giúp được gì cho chúng nó thì giúp, mà có lao động tôi mới thấy đỡ buồn chân tay, đầu óc lại minh mẫn”- bà Ninh tâm sự.