Tầm vóc lớn lao

Chiến thắng 30/4/1975 là mốc son kết thúc hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài với một thời gian nói tròn là 21 năm, nhưng nói chi li thì là 20 năm 9 tháng (7/1954 - 4/1975). Phải tính bằng ngày bằng tháng mới thấm được cái khốc liệt đẫm máu của cuộc chiến và mới nổi bật được sự oai hùng của chiến công hiển hách của dân tộc -một dân tộc luôn luôn gan góc, không chịu khuất mình trước giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai. Nếu tính cho kỹ hơn, truy lại cho đủ ngọn ngành thì thời gian đó phải được tính lâu hơn 20 năm 9 tháng, tức là phải tính từ đầu năm 1950, khi đế quốc Mỹ “can thiệp”, giúp thực dân Pháp xâm lược nước ta. Tính ra, tổng cộng Mỹ đã giúp Pháp tới hơn 80% chiến phí, con số không hề nhỏ so với tiềm lực kinh tế và quân sự của tên đế quốc già giơ là Pháp.

Dấu mốc vĩ đại này đồng thời cũng là một bước ngoặt đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân. Tầm vóc của chiến thắng 30/4/1975 không chỉ được ví như trận Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” báo hiệu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, mà còn là đỉnh cao chói lọi, mở ra quá trình rã đám không gì cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân mới ở phạm vi toàn cầu.

Tầm vóc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc lúc 11 giờ 30phút ngày 30/4/1975 với sự tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh - đại diện chính quyền Sài Gòn, không chỉ ghi dấu ấn thời gian rất ấn tượng của những năm 70 thế kỷ trước mà còn lan tỏa ánh hào quang bất tận cho mai sau, nâng thêm lòng tự hào của người dân yêu nước đất Việt nhiều thế hệ mà ngày này - Ngày hội non sông thống nhất kỷ niệm tròn nửa thế kỷ từ sự kiện trọng đại ấy (30/4/1975 - 30/4/2025).

leftcenterrightdel
 Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ảnh: TTXVN

Ý nghĩa sâu sắc

Chiến thắng 30/4/1975 đi vào lịch sử hàng ngàn năm dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam như một mốc son chói lọi, tiếp thêm truyền thống quật khởi của dân tộc yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, tạo thêm giá trị trường tồn của dân tộc Việt Nam, một dân tộc đất không rộng lắm, người không đông lắm, tiềm lực kinh tế, quốc phòng còn hạn chế, nhưng sẵn sàng đứng lên bảo vệ cho chính nghĩa, và đã đưa dân tộc bước vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới đấu tranh cho độc lập, hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Thắng lợi 30/4/1975 thực sự mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cả nước cùng quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Mốc này nằm trong một chuỗi của tổ hợp phân kỳ lịch sử Việt Nam một cách khách quan: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 9 năm (1945 -1954) mở ra kỷ nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà; thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 -1975) mở ra kỷ nguyên giang sơn thu về một mối, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; những thành tựu xây dựng đất nước mở ra kỷ nguyên đổi mới (từ cuối năm 1986). Và giờ đây, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhìn tổng thể một chuỗi như vậy thì chúng ta thấy rằng, thắng lợi 30/4/1975 có ý nghĩa “đóng dấu” cho một kỷ nguyên trong lịch sử phát triển của dân tộc -một dấu son không bao giờ phai mờ trong cả lịch sử hàng ngàn năm của đất nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc vào ngày 30/4/1975 đã tôn vinh và kích hoạt hình thành hệ giá trị con người Việt Nam: Yêu nước - yêu chủ nghĩa xã hội; ham tiến bộ; cần cù, yêu lao động, có óc đổi mới sáng tạo; chuộng điều thiện, điều tốt; ghét điều ác, điều xấu; yêu hòa bình, chính nghĩa, nhân ái, nhân văn, nhân đạo, bao dung, “lấy chí nhân thay cường bạo”; có tinh thần quốc tế trong sáng... Chiến tranh là một trong những thử thách nghiệt ngã nhất đối với cả một dân tộc và đối với từng cá nhân con người. Thắng lợi 30/4/1975 là minh chứng rõ ràng nhất cho con người Việt Nam vượt qua một cách ngoạn mục sự khảo nghiệm khắt khe của chiến tranh để trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của phẩm giá, lương tri mà biểu tượng này chiếm một vị trí vững chắc trên các chặng đường lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như lịch sử nhân loại.

Thắng lợi 30/4/1975 có ý nghĩa khẳng định một lần nữa và tạo thêm niềm tin mãnh liệt vào lãnh tụ của Đảng và dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, “người anh hùng dân tộc vĩ đại” (Đảng ta đã ghi nhận như thế), “Anh hùng giải phóng dân tộc và là Nhà văn hóa kiệt xuất” (theo Nghị quyết của UNESCO) cũng như sự lãnh đạo đúng đắn, tài giỏi của Đảng ta, sự lớn mạnh của hệ thống chính trị nước nhà, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại. Trong những ngày này, Nhân dân Việt Nam càng nhớ tới công ơn trời biển của Bác Hồ, người tin tưởng một cách chắc chắn nhất cho sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ý nghĩa sâu sắc của thắng lợi 30/4/1975 còn ở chỗ để lại bài học quý cho hiện nay và mai sau: Đó là bài học về tạo ra sức mạnh tổng hợp của đất nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đó là bài học về đoàn kết được phát huy đến mức cao độ theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Đó là bài học xây dựng Đảng làm cho Đảng lãnh đạo Nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thậm chí có những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được. Đó là bài học về xây dựng con người Việt Nam, đặc biệt là tạo ra đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức hy sinh, tận tụy và đầy mưu trí, vừa đánh giặc giỏi vừa ra sức xây dựng quê hương đất nước; trong thời chiến cũng như thời bình biết phòng và chống chủ nghĩa cá nhân, thắng không kiêu bại không nản, nhất là trong công cuộc xây dựng hậu phương miền Bắc - “một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì hư hỏng để tạo ra những giá trị mới mẻ, tốt tươi” như Bác Hồ đã tổng kết. Đó là bài học về phát động chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, sáng tạo, biết thúc đẩy cho thời cơ chóng đến, nắm bắt nhanh nhạy cơ hội giành thắng từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, nghĩa là biết kết thúc chiến tranh phù hợp với yêu cầu của cách mạng.

Thắng lợi 30/4/1975 góp phần tích cực nhất vì một thế giới hòa bình. Nhân dân Việt Nam hoàn toàn xứng đáng nhận được “Giải thưởng Nobel về hòa bình” (nếu có thể trao), còn hơn trớ trêu lại trao năm 1973 cho ông H.Kítxinhgiơ, cố vấn an ninh Mỹ, người dẫn đầu phía Mỹ cho cuộc đàm phán 4 bên ở Hội nghị kéo dài tới 5 năm tại Paris. Hội nghị này ghi dấu kết thúc sự có mặt của quân Mỹ, buộc quân Mỹ phải “cút” năm 1973 dẫn đến thời kỳ “ngụy nhào” năm 1975. Thắng lợi này cũng kích hoạt cho thế giới văn minh phát triển vì các quyền dân tộc cơ bản của mỗi quốc gia: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Thắng lợi 30/4/1975 và toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung như thắng lợi của những trận Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa thế kỷ XX. Nếu có thể so sánh được thì nó chỉ đứng sau thắng lợi của lực lượng Đồng Minh chống chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến 2. Quá khứ là điều chúng ta không sửa được, nhưng chúng ta có quyền thiết kế cho tương lai. Tương lai sẽ được Đảng vạch ra với kỷ nguyên tiến tới trở thành một đất nước hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu, đạt được những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã nêu ra.

GS.Mạch Quang Thắng