Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, sau 17 năm thi hành, một số quy định tại Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam (Quyết định 130) bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, nhiều nội dung không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và bộc lộ một số hạn chế trong thực tiễn thi hành.
Bên cạnh đó, trong các năm qua, khối lượng tiền mặt trong lưu thông tăng lên phù hợp quy mô phát triển của nền kinh tế. Cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ in, sao chụp, xử lý hình ảnh và internet, việc làm tiền giả dễ dàng thực hiện hơn, kỹ thuật làm giả cũng ngày càng tinh vi hơn.
Ở nước ta, tình trạng tội phạm lưu hành, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả đã xảy ra tại một số địa phương, với thủ đoạn, phương thức ngày càng phức tạp. Tiền Việt Nam bị làm giả làm giảm giá trị của đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, tác động đến an ninh tiền tệ quốc gia, giảm lòng tin của người dân vào chính sách, công tác quản lý, điều hành tiền tệ của nhà nước.
Theo các cơ quan chức năng, trước đây, tiền giả chủ yếu sản xuất ở nước ngoài, được vận chuyển, đưa vào trong nước tiêu thụ. Những năm gần đây, đã xuất hiện tội phạm làm tiền giả tại một số địa bàn như: Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh, Nam Định… Trong những năm qua, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, triệt phá hàng nghìn vụ liên quan đến tiền giả, thu giữ nhiều tang vật liên quan. Lượng tiền giả thu giữ qua cơ quan chức năng và hệ thống ngân hàng lên đến hàng chục tỉ đồng tiền giả.
Trước đây, tiền giả chủ yếu được in ở nước ngoài trên chất liệu nilon. Những năm gần đây, đã xuất hiện tiền giả được in trong nước, chủ yếu trên giấy. Nhìn chung, các loại tiền giả tiền polymer có kỹ thuật làm giả đơn giản, dễ kiểm tra nhận biết bằng tay và mắt thường. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình hoạt động của tội phạm tiền giả trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Do vậy, để công tác phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam đạt hiệu quả và toàn diện, cần thiết bổ sung thêm lực lượng chức năng tham gia và tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
|
|
Lực lượng Công an bắt giữ đối tượng về hành vi “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”. (Ảnh minh hoạ) |
Về thực tiễn công tác phòng, chống tiền giả cho thấy, phạm vi hoạt động của tội phạm làm tiền giả ngày càng rộng, bao gồm cả nội địa và khu vực biên giới đất liền và vùng biển. Tuy nhiên, trong văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam chỉ quy định công tác phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và lực lượng Hải quan.
Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Nghị định về trách nhiệm tham gia của lực lượng Quân đội nhân dân như lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng điều tra hình sự Quân đội... nhằm tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng của cơ quan Công an, lực lượng Quân đội nhân dân, cơ quan Hải quan và Ngân hàng Nhà nước trong công tác phòng, chống tiền giả, góp phần hạn chế rủi ro về tiền giả cho các tổ chức, cá nhân giao dịch trong xã hội và bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam.
Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 28 điều. Nghị định quy định việc phát hiện, thu giữ, xử lý tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, tiền nghi hủy hoại trái pháp luật; giám định tiền giả, tiền nghi giả; quản lý sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Đối tượng áp dụng gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Liên quan đến việc phát hiện, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, dự thảo Nghị định quy định, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước, cơ quan chức năng của Công an, Quân đội, Hải quan khi phát hiện tiền giả thực hiện lập biên bản, thu giữ; khi phát hiện tiền nghi giả thực hiện lập biên bản, tạm thu giữ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tạm thu giữ tiền nghi giả, tổ chức tạm thu giữ tiền nghi giả có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị giám định theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 và gửi đến cơ quan giám định của Bộ Công an hoặc Ngân hàng Nhà nước để giám định.
Trường hợp tổ chức, cá nhân không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước thông báo ngay đến Công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu liên quan đến hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, các tổ chức, cá nhân thông báo cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.