Trong một công bố ngày 15/12, trang tin Seasia Stats đã đưa ra số liệu GDP của nhóm các nền kinh tế hàng đầu châu Á.

Theo đó, năm 2024, GDP của Việt Nam đạt 468 tỉ USD, đứng thứ 9 trong danh sách, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia Thái Lan và xấp xỉ Đài Loan, Singapore.

Seasia Stats cũng cung cấp thống kê đồ họa 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á dự kiến cho năm 2025, trên cơ sở số liệu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố.

“Khi chúng ta hướng đến năm 2025, châu Á tiếp tục củng cố vị thế trong nhóm các cường quốc kinh tế toàn cầu. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, lục địa này là nơi tập trung một số nền kinh tế lớn nhất và năng động nhất thế giới.”, Seasia Stats bình luận khi công bố danh sách 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á năm 2025.

Danh sách thể hiện, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất châu Á. Với biên độ tăng trưởng đáng kể, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức đáng kinh ngạc là 19.500 tỉ đô la. Sự thống trị này nhấn mạnh vai trò then chốt của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu và phát triển kinh tế trên thế giới hiện nay.

leftcenterrightdel
 Thống kê đồ họa 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á dự kiến cho năm 2025. Nguồn: seasia.

Nhật Bản đứng thứ hai châu Á với nền kinh tế có giá trị 4.400 tỉ đô la. Có thể thấy, Nhật Bản vẫn là một nhân tố chủ chốt trong công nghệ và sản xuất, duy trì vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Á.

Ấn Độ bám đuổi Nhật Bản với GDP dự kiến đạt mức 4.300 tỉ đô la. Đà tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ được thúc đẩy bởi ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và thị trường tiêu dùng đang mở rộng nhanh chóng.

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á năm 2025 là Hàn Quốc với quy mô GDP dự kiến sẽ đạt 1.900 tỉ đô. Đây là quốc gia nổi tiếng với những tiến bộ về mặt công nghệ và ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, với nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới.

Indonesia nằm trong top 5 châu Á và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, dự kiến GDP sẽ đạt 1.500 tỉ đô la năm tới và hiện vẫn đang được thúc đẩy bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng như tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng.

Quốc gia còn lại có mức GDP vượt ngưỡng 1.000 tỉ đô la là Ả Rập Xê Út, đứng thứ 6, với nền kinh tế trị giá 1.100 tỉ đô la cho năm 2025. Seasia Stats nhận định, Ả Rập Xê Út tiếp tục tận dụng nguồn tài nguyên dầu mỏ của mình một cách thông minh trong khi vẫn nỗ lực đa dạng hóa sang các lĩnh vực khác nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng.

leftcenterrightdel
 TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế năng động của Việt Nam và khu vực. Ảnh: thestar.

Đài Loan (Trung Quốc), với quy mô nền kinh tế dự kiến đạt 814 tỉ đô la, đứng thứ 7. Đài Loan có nền kinh tế được hỗ trợ bởi ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn mạnh mẽ được kì vọng sẽ tiếp tục bứt phá hơn nữa, hướng đến lọt nhóm các nền kinh tế quy mô trên 1.000 tỉ.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam nằm trong nhóm các nước có nền kinh tế trên 500 tỉ đô la với mức chênh lệch không lớn. Năm sau, quy mô nền kinh tế dự kiến của Việt Nam sẽ đạt khoảng 506 tỉ đô la.

Với giá nhân công rẻ, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện theo hướng cởi mở, thông thoáng, Việt Nam được nhìn nhận như là một trung tâm công xưởng mới của khu vực và châu Á, là đích đến của nhiều “ông lớn” trong ngành công nghiệp điện tử.

“Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ vào xu hướng bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.”, Seasia Stats nhấn mạnh.

Xếp ngay sau Việt Nam là Malaysia, nền kinh tế có quy đạt khoảng 488 tỉ đô la, quốc gia này được kì vọng sẽ tiếp tục phát triển thông qua ngành công nghiệp điện tử và dầu cọ.

Bangladesh xếp thứ 14 trong danh sách với quy mô nền kinh tế đạt khoảng 482 tỉ đô và tiếp theo Iran đứng thứ 15 với 464 tỉ đô la.

PV/Sputnik, Seasia