leftcenterrightdel
 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ngày 4/2/2020, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước việc Anh chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Hiệp định Đối tác và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ về hợp tác của các nước khu vực. Các nước CPTPP đã thống nhất quy trình gia nhập, theo đó các nền kinh tế quan tâm cần đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp định và quy trình này. Anh là đối tác thương mại quan trọng của các nước thành viên CPTPP, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam ủng hộ Anh tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại với khu vực, sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tham gia CPTPP với Anh.

Theo TTXVN đưa tin, ngày 1/2, Anh đã chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trở thành trở quốc gia đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập nộp đơn đăng ký tham gia thỏa thuận thương mại tự do này. 

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đã đưa ra đề nghị trên trong cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp New Zealand Damien O'Connor và Bộ trưởng phụ trách đàm phán CPTPP của Nhật Bản Yasutoshi Nishimura.

Nhật Bản và các thành viên khác đã hoan nghênh đề nghị của Anh, coi đây là động lực để mở rộng thương mại tự do dựa trên các quy tắc thương mại và đầu tư tiêu chuẩn cao. Anh dự kiến sẽ bắt đầu đàm phán với các thành viên CPTPP vào mùa Xuân.

Nhật Bản đảm nhận vị trí Chủ tịch cơ quan ra quyết định của CPTPP trong năm nay, trong khi New Zealand chịu trách nhiệm tiếp nhận các yêu cầu gia nhập với tư cách là cơ quan lưu chiểu cho hiệp định thương mại này. Sau khi các cơ quan liên quan ra quyết định chấp thuận việc bắt đầu quá trình gia nhập CPTPP của Anh, một nhóm cấp công tác sẽ được thành lập để tiến hành công tác đàm phán.

Trong các cuộc đàm phán, Anh sẽ cần chứng tỏ rằng nước này có thể tuân thủ các quy tắc của CPTPP, đồng thời tham gia đàm phán thuế quan trên cơ sở song phương với 11 thành viên. Việc gia nhập của Anh cuối cùng sẽ cần được sự đồng thuận của cơ quan ra quyết định.

Thế Đức