Việt Nam có 1.417 dự án đầu tư ra nước ngoài/tổng vốn 21,8 tỉ USD

Bất chấp đại dịch COVID-19, 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam tăng mạnh đầu tư ra nước ngoài, theo số liệu thống kê từ Bộ KH&ĐT. Tổng cộng có 545,9 triệu USD đã được đầu tư, trong đó 18 dự án được cấp mới/vốn đăng ký đạt 142,8 triệu USD, tăng lần lượt tăng 7,9 lần và 2,7 lần so với cùng kỳ 2020.

Có 9 lượt dự án của các doanh nghiệp Việt Nam được điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 403,2 triệu USD, tăng 25,5 lần so với cùng kỳ.

Trong số 10 lĩnh vực được nhà đầu tư Việt Nam nhắm đến, lĩnh vực khoa học công nghệ dẫn đầu với 8 dự án mới và 2 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 270,8 triệu USD, chiếm 19,6% tổng vốn đầu tư. Kế đến là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư 147,8 triệu USD, chiếm 27,1%.

leftcenterrightdel
Việt Nam đang nổi lên như một công xưởng sản xuất của khu vực và thế giới. Ảnh: 4p.com.vn 

Trong số 15 quốc gia, vùng lãnh thổ thu hút đầu tư từ Việt Nam, Mỹ dẫn đầu 2 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 302,3 triệu USD, chiếm 55,4% tổng vốn đầu tư.

Ngoài đầu tư của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, các nhà đầu tư tiêu biểu khác của Việt Nam là Vingroup, Vinamilk, FPT, Nhựa An Phát Xanh, Vietcombank, Mobifone…

Lũy kế đến ngày 20/4, Việt Nam đã có 1.417 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 21,8 tỉ USD, tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực khai khoáng (36%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,4%).

Về dài hạn, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài có nhiều triển vọng. Vingroup từng tuyên bố sẽ chi 2 tỉ USD để sản xuất và phân phối xe ô tô thương hiệu VinFast tại Mỹ với dự kiến  sẽ bán ô tô tại bang California vào năm 2022.

Thu hút vốn FDI đầy triển vọng!

Bốn tháng đầu năm 2021, vốn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam ước đạt 5,5 tỉ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,25 tỉ USD. Trong số này, có 451 dự án được cấp mới, tổng vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỉ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2020; 263 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm đạt trên 2,7 tỉ USD.

Sau khi tuyên bố sẽ ngừng sản xuất kinh doanh điện thoại thông minh trong một điều chỉnh chiến lược, LG Hàn Quốc đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư 750 triệu USD vào các dự án hiện hữu tại Hải Phòng.

leftcenterrightdel
Tập đoàn LG tăng vốn 750 triệu USD cho các dự án hiện hữu ở Hải Phòng sau tuyên bố chuyển hướng sản xuất kinh doanh. Ảnh: iipvietnam 

Lũy kế đến ngày 20/4, cả nước có 33.463 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 394,9 tỉ USD/vốn thực hiện 238,36 tỉ USD.

Bộ KH&ĐT khẳng định, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt sau tác động của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc Việt Nam đứng thứ 11, lọt top 15 quốc gia được đánh giá là an toàn và nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt nhất hậu COVID-19, theo xếp hạng của Bloomberg, tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam là khả quan và triển vọng.

Việc kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, nền chính trị ổn định, người dân yêu hòa bình, yêu lao động và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài liên tục được cải thiện, Việt Nam sẽ tiếp tục là “cứ điểm” an toàn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Huy Anh/Sputnik