Kết thúc năm tài chính 2014, không ít ngân hàng báo lãi vượt chỉ tiêu đưa ra, tuy nhiên, mức lợi nhuận còn lại sau trích lập dự phòng của nhiều nhà băng rất ít.

Vì thế, không chỉ với cổ đông phải chia sẻ khi không còn cổ tức, mà người lao động trong lĩnh vực tài chính - vốn dĩ được xem là ngành có mức thưởng “khủng” trước đây, cũng phải ngậm ngùi.
 

1
Nhiều ngân hàng chỉ cố gắng hoàn tất chính sách lương tháng 13 cho cán bộ nhân viên


Khó thưởng Tết cao

Trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch HĐQT DongA Bank, ông Cao Sỹ Kiêm cho biết, ước lợi nhuận trước dự phòng của Ngân hàng năm 2014 khoảng 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm qua, nợ xấu của DongA Bank tăng khá mạnh. Theo BCTC 9 tháng đầu năm 2014, nợ xấu của DongA Bank đã lên 6,8%, trong khi tín dụng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng âm. Tính đến cuối năm 2014, tăng trưởng tín dụng của DongA Bank mới đạt khoảng vài phần trăm.

Năm 2014, DongA Bank đã bán nợ xấu cho VAMC tới gần 3.000 tỷ đồng. Vì thế, con số dự phòng đòi hỏi rất lớn. Đó cũng là lý do để Chủ tịch HĐQT DongA Bank ước con số lợi nhuận còn lại sau dự phòng chỉ còn chưa tới phân nửa so với con số 800 tỷ đồng nói trên. Như vậy, với mức kế hoạch lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, khả năng DongA Bank cũng khó hoàn thành. Do đó, theo ông Kiêm, khó có thể kỳ vọng mức thưởng cao cho cán bộ nhân viên (CBNV) trong dịp Tết này. Hiện DongA Bank chưa đưa ra chính sách thưởng cụ thể.

Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Ngân hàng xây dựng cho năm qua ở mức 350 - 360 tỷ đồng, khả năng hoàn tất đã chắc chắn, nhưng OCB đang chờ kiểm toán trước khi công bố chính thức. Theo ông Tùng, trước xu hướng nợ xấu tăng và khó kiểm soát được nợ xấu phát sinh từ các khoản vay mới, thì mọi nguồn lực đều phải dồn hết để trích dự phòng rủi ro. Tăng trưởng tín dụng của OCB trong năm qua đạt khoảng 18%, song nếu nhìn vào con số tăng trưởng tuyệt đối thì vẫn còn ở mức thấp. Mặt khác, biên lãi trong hoạt động tín dụng dần thu hẹp khi ngân hàng phải cạnh tranh thu hút khách hàng tốt cho vay. Hiện biên lợi nhuận của OCB khoảng 2,1%. Chính vì lý do này nên dù lợi nhuận OCB đạt chỉ tiêu đưa ra, song để có mức thưởng cao cho CBNV trong Tết năm nay, theo ông Tùng là rất khó.

“Hiện Ngân hàng chưa có quyết định cuối cùng, nhưng khả năng ngoài lương tháng 13, sẽ phân bổ dựa trên kết quả kinh doanh và dự phòng năm qua”, ông Tùng nói.

Không chỉ với ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, mà ngay cả những nhà băng quy mô vốn lớn như Eximbank, thì mức thưởng cho nhân viên dịp Tết này cũng khó đáp ứng được kỳ vọng của người lao động.

Lãnh đạo Eximbank cho hay, nếu không phải trích dự phòng rủi ro cao thì con số lợi nhuận đạt được cao hơn chỉ tiêu đưa ra 1.800 tỷ đồng, nhưng để có được một cơ thể lành mạnh và an toàn, đòi hỏi trước hết là phải dự phòng rủi ro cho nợ xấu. Lợi nhuận còn lại của Eximbank ước thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu, do đó HĐQT, Ban điều hành của Eximbank chỉ cố gắng hoàn tất chính sách lương tháng 13. Còn phần thưởng Tết thêm cũng sẽ được xem xét, song xem ra rất khó kỳ vọng nhiều.

Cả với nhà băng lãi lớn

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, khả năng Ngân hàng hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trên 1.100 tỷ đồng trong năm qua, còn chính sách thưởng Tết đang chờ HĐQT, Ban điều hành quyết, nhưng có lẽ cũng không nổi trội hơn so với năm trước. ACB sẽ căn cứ trên chỉ tiêu kinh doanh của từng chi nhánh, CBNV để đưa ra mức thưởng hợp lý. Vì vậy, cũng có thể có người được nhận thêm 2 - 4 tháng lương, song số lượng không nhiều.

Tại Sacombank, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, lợi nhuận ngân hàng năm nay khả năng đạt 100% kế hoạch (lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng). Hiện Ngân hàng chưa quyết toán cuối năm nên chưa có con số thưởng Tết cụ thể.

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, năm nay, tình hình kinh doanh khó khăn nhưng Ngân hàng vẫn đạt kế hoạch đề ra. Thậm chí, lợi nhuận của Nam A Bank còn vượt chỉ tiêu ban đầu gần 30% khi đạt khoảng 243 tỷ đồng trước thuế. Theo ông Tâm, đây là nhờ vào sự nỗ lực của cả tập thể NamA Bank. Do đó, để khích lệ tinh thần làm việc của CBNV, khả năng ngân hàng sẽ thưởng 2 tháng thu nhập. Nhưng mức thưởng này cũng sẽ không cào bằng mà dựa trên chỉ tiêu kinh doanh.

“Đây là con số ước tính và còn chờ ý kiến HĐQT”, ông Tâm nói.

Thực tế, chuyện thưởng Tết trong ngành ngân hàng khiêm tốn không còn gây bất ngờ với thị trường như trước khi hoạt động trong lĩnh vực này luôn được xem là “siêu” lợi nhuận và thưởng Tết “khủng”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hoạt động tín dụng của ngành không mấy thuận lợi, trong khi nợ xấu tăng. Vì thế, cách duy nhất để có thể đảm bảo an toàn trong hoạt động và kiểm soát được nợ xấu là hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng (kể cả với khoản nợ đã bán cho VAMC, ngân hàng cũng phải trích 20% dự phòng cho trái phiếu đặc biệt).

Chủ trương của NHNN đưa ra từ năm 2012, yêu cầu các TCTD chỉ được tính chuyện lương thưởng sau khi đảm bảo các yêu cầu tính toán nợ xấu và thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, để có thể đảm bảo được hoạt động, điều tiên quyết đối với ngân hàng hiện nay là phải trích dự phòng đầy đủ trước khi nghĩ đến việc chia cổ tức cho cổ đông và cả với chính sách thưởng cho người lao động. Đó cũng chính là lý do buộc ngân hàng phải “bóp bụng” trong việc chi thưởng cho CBNV. Tuy nhiên, điều này dường như cũng không còn là bất ngờ đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực này.

“Vẫn biết với người lao động luôn trông chờ vào mức thưởng Tết cuối năm, nhưng trước bối cảnh khó khăn hiện nay, điều đó khó có thể đáp ứng được. Vì thế, không chỉ với thưởng Tết, mà cổ tức cũng không còn”, đại diện một nhà băng cho biết.                
 

Theo Đầu tư Chứng khoán

.