Sau một thời gian ồ ạt mở các chi nhánh, quỹ tiết kiệm, hiện các ngân hàng đang phải tự rà soát, sắp xếp, co bớt lại để đảm bảo kinh doanh hiệu quả trong thời buổi khốn khó.
 


Nhiều cán bộ ngân hàng cũng thừa nhận tình trạng này, vì "chỉ cần nhìn qua các chỉ tiêu kinh doanh của nhân viên quỹ sẽ thấy không khác gì chỉ tiêu của một Phòng giao dịch, từ huy động, phát hành thẻ, tín dụng... ".

Rồi mô hình điểm giao dịch cũng tương tự. Theo quy định thì đây chỉ là một dạng để tiếp thị, giới thiệu sản phẩm của ngân hàng và không có con dấu riêng, nhưng hoạt động thì cũng không kém các Phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm.

Bản chất "lờ vờ", không rõ ràng của các dạng mô hình tổ chức này của ngân hàng đã tồn tại và đến nay, theo Thông tư 21 chúng sẽ chấm dứt hoạt động trong vòng 24 tháng, kể từ ngày thông tư có hiệu lực. Các ngân hàng thương mại phải hoàn thành việc chuyển đổi quỹ tiết kiệm, điểm giao dịch thành phòng giao dịch theo thủ tục chung hoặc chấm dứt hoạt động, giải thể.

Cần phải siết chặt hơn

Trong giai đoạn bùng nổ, các ngân hàng đã phát triển mạng lưới tương đối nóng. Việc khai trương liên tục các chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm có thể thấy được điều này, và trên thực tế đã tạo ra các con phố ngân hàng, tài chính, "ra ngõ gặp ngân hàng".

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế đang khó khăn, nợ xấu gia tăng, bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải tự xem xét lại công tác phát triển mạng lưới. Theo lãnh đạo Khối Mạng lưới và Kênh phân phối của một ngân hàng thì bản thân họ đã tự rà soát lại các phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm. "Nếu nơi nào hoạt động không hiệu quả, nợ xấu cao thì lập tức sẽ dừng phát triển kinh doanh, di chuyển, hợp nhất với phòng giao dịch khác để đảm bảo công tác sắp xếp lại mạng lưới hợp lý", ông này cho hay.

Theo một chuyên gia, hiện nhiều ngân hàng có chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ nên đương nhiên họ cần phát triển mạng lưới để tăng điểm giao dịch, tăng sự hiện diện, tần suất xuất hiện là điều dễ hiểu. Điều đó cũng tạo sự thuận lợi, tiện dụng cho khách hàng. Tuy nhiên, chi phí vận hành một điểm giao dịch không hề nhỏ, như tiền thuê nhà, nội thất, lắp đặt, đường mạng... nên nếu bung ra quá nhiều sẽ rất lãng phí.

Ngoài ra, việc siết chặt phát triển mạng lưới hoạt động của các ngân hàng sẽ góp phần làm giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh. "Mật độ đơn vị kinh doanh của các ngân hàng quá dày đặc sẽ dẫn đến sự cạnh tranh rất khốc liệt. Không chỉ trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM, mà ngay cả tại nhiều địa phương khác, chi nhánh các ngân hàng lập ngày càng nhiều. Vốn địa bàn nhỏ, hẹp, dư nợ lớn tập trung tại các ngân hàng lâu năm như Agribank, Vietinbank... thì chắc chắn, cuộc chơi cho các ngân hàng thương mại cổ phần còn lại sẽ nhỏ đi. Vì thế, càng nhiều chi nhánh mọc lên cạnh tranh càng khốc liệt. Trong khi đó, chỉ tiêu kinh doanh lại cao thì dẫn đến khả năng làm liều càng lớn", một chuyên gia ngân hàng chia sẻ. Phải chăng đây cũng là một phần của nguyên nhân gây ra nợ xấu, nợ quá hạn trong thời gian qua?

Do vậy, rõ ràng là việc siết chặt các quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại là điều cần thiết, đảm bảo một thị trường lành mạnh, có tính cạnh tranh cao nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn.
 

Theo VEF