Câu chuyện thi hành án tưởng chừng đơn giản bỗng hóa “mớ bòng bong” với lối thực hiện lạ kỳ của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

 

“Nút thắt” thi hành án

 

Sau khi bản án phúc thẩm trên có hiệu lực, ngày 21/8/2014, Thúy Đạt đã gửi đơn yêu cầu thi hành bản án số 02/2014/KDTM-PT và đơn yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án của Techcombank tới Chi cục Thi hành án dân sự TP. Nam Định (tỉnh Nam Định).

 

Nhận được các đơn trên, ngày 8/10/2014, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP. Nam Định đã ra Quyết định số 02/QĐ-CCTHA (DS) về việc thi hành án đối với Techcombank, bồi thường cho Thúy Đạt 4,1 tỷ đồng. Do Techcombank có đơn đề nghị hoãn và xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án số 02/2014/KDTM-PT gửi đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và được cơ quan này chấp nhận.

 

Theo đó, ngày 11/5/2015, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP. Nam Định ra Quyết định số 123 hoãn thi hành bản án trên. Và kể từ ngày 8/10/2014, Techcombank phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán kể từ ngày 11/5/2015 đến 11/8/2015.

 

Để “giảm thiểu thiệt hại có thể phát sinh từ tiền phạt chậm thi hành án, đảm bảo quyền lợi cho bên phải thi hành án (Techcombank)”, ngày 1/8/2015, phía Techcombank đã tự nguyện thi hành bản án số 02/2014/KDTM-PT bằng cách chuyển hơn 4,4 tỷ đồng (tiền gốc + tiền lãi chậm thi hành án) vào tài khoản của Thúy Đạt mở tại Techcombank - Chi nhánh Nam Định.

 

Tuy nhiên, ngày 19/8/2015, Techcombank lại đơn phương cấn trừ toàn bộ số tiền này của doanh nghiệp, qua đó, đẩy hai bên vào một tình thế mâu thuẫn mới.

 

Cái lý của ngân hàng

 

Giải thích về hành động của mình, ông Thiều Ánh Dương, Giám đốc xử lý nợ Techcombank, cho biết hiện không có quy định nào buộc ngân hàng tự nguyện thi hành án phải trả tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án. Do đó, ngân hàng có thể chuyển tiền vào tài khoản của doanh nghiệp.

 

Đồng thời, khi tài khoản doanh nghiệp có tiền thì ngân hàng được phép trừ nợ. Bởi, căn cứ theo hợp đồng hạn mức tín dụng số 989 ngày 13/1/2012 ký giữa Techcombank và Thúy Đạt thì bên vay cam kết phương thức trả nợ là ủy quyền cho Techcombank tự động trích tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán của Thúy Đạt mở tại Techcombank để thu nợ gốc, lãi, phí và các loại chi phí khác phát sinh (Khoản 7.1).

 

Phía Techcombank còn cho hay, tạm tính đến ngày 30/6/2015, dư nợ của Thúy Đạt tại ngân hàng này là 31.281.421.196 VND.

 

Theo đó, Techcombank khẳng định ngân hàng này đã tự nguyện thi hành án, nghiêm chỉnh chấp hành phán quyết và bản án của tòa, không vi phạm quy định về thi hành án. Việc trích thu tiền trong tài khoản của Thúy Đạt mở tại Techcombank để thu các khoản nợ đã quá hạn là quyền lợi hợp pháp của Techcombank.

 

Khách hàng cho rằng Techcombank làm trái luật

 

Bác luận điểm của Techcombank, đại diện Thúy Đạt cho rằng hành vi “bồi thường tay trái, thu hồi tay phải” của phía ngân hàng là hoàn toàn trái pháp luật. Bởi lẽ:

 

Thứ nhất, thời điểm Techcombank chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Thúy Đạt là đã hết giai đoạn tự thi hành án. Theo Luật Thi hành án, khi Chi cục Thi hành án phải thi hành án thì không còn tự nguyện nữa.

 

Thứ hai, theo Quyết định số 123 của Chi cục Thi hành án, từ ngày 11/5/2015 đến 11/8/2015 là giai đoạn tạm ngừng thi hành án, nên việc Techcombank tự nguyện thi hành án vào ngày 1/8/2015 là không hợp lệ.

 

Thứ ba, Techcombank chỉ ra cơ sở pháp lý để họ thực hiện hành vi cấn trừ nợ trên tài khoản của Thúy Đạt là các điều khoản ủy quyền tại hợp đồng hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDH ngày 13/1/2012. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 582 Bộ luật Dân sự 2005, thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định, nếu không thỏa thuận hoặc pháp luật không quy định thì thời hạn ủy quyền có hiệu lực là một năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Hợp đồng số 989 được xác lập ngày 13/1/2012 nên đến ngày 19/8/2015, phía Techcombank vẫn “vin” vào các điều khoản về ủy quyền tại hợp đồng để cấn trừ nợ là không hợp lệ.

 

Thứ tư, theo biên bản làm việc lập vào 14h ngày 17/7/2015 tại trụ sở TAND tối cao giữa Techcombank và Thúy Đạt, dưới sự chủ trì của Thẩm phán Đặng Xuân Đào, phía doanh nghiệp đã đề nghị Techcombank phải chuyển tiền bồi thường vào tài khoản của Thúy Đạt tại Ngân hàng TMCP Đầu tư Việt Nam (BIDV), chi nhánh tỉnh Nam Định nhưng khi thi hành án, Techcombank vẫn không thực hiện. “Vậy Techcombank có thực sự muốn tự nguyện thi hành án?”, bà Trần Thị Thúy, Phó Giám đốc Thúy Đạt, đặt câu hỏi.

 

Thứ năm, trước khi chuyển tiền “tự nguyện” thi hành án, tháng 6/2015, Techcombank đã khởi kiện Thúy Đạt để đòi khoản nợ 31 tỷ đồng. Đến đầu tháng 8/2015, tòa án đã thụ lý vụ kiện này. Tức là, đến cuối tháng 8/2015, khi tiến hành trừ nợ trên tài khoản của Thúy Đạt, Techcombank cần phải được sự đồng ý của tòa án.

 

Thứ sáu, bản chất phán quyết của tòa, yêu cầu Techcombank bồi thường 4,1 tỷ đồng cho Thúy Đạt là nhằm mục đích bù đắp, khắc phục những thiệt hại Thúy Đạt đã phải gánh chịu do hành vi sai trái của Techcombank chứ không phải là để trả nợ.

 

Cuối cùng, ngày 28/8/2015, Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Nam Định đã ra Quyết định số 09/QĐ-CCTHA yêu cầu Techcombank chuyển số tiền 4,4 tỷ đồng vào tài khoản của Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Nam Định. Song đến thời điểm hiện tại, Techcombank vẫn không chấp hành.

 

Trong khi “trận chiến thi hành án” vẫn chưa ngã ngũ thì mới đây, hai bên đã lại phải đối đầu trong một tranh chấp pháp lý mới. Cụ thể, tháng 6/2015, Techcombank đã khởi kiện Thúy Đạt để đòi khoản nợ 31 tỷ đồng và đến tháng 8/2015, tòa án đã thụ lý vụ kiện này.

 

Báo Người Tiêu Dùng sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Theo NTD

.