Từ cuối năm 2017, tại Hà Tĩnh đã tiến hành sáp nhập các BQL dự án đơn lẻ của các ngành, thành các BQL dự án chuyên ngành trực thuộc tỉnh. Theo đó, đã hình thành nên 3 BQL dự án cấp tỉnh, gồm: BQL dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh; BQL dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh và BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh.

Các BQL dự án này, được gọi là “siêu ban”, khi quản lý dự án đa dạng, nhiều công trình đầu tư xây dựng cơ bản và số vốn đầu tư các công trình hàng năm lớn.

Các BQL dự án này, cũng là các đơn vị tiên phong triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng các gói thầu hàng năm.

Tỷ lệ đấu thầu qua mạng trên 70%

Tại BQL dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, theo số liệu PV báo Bảo vệ pháp luật có được, năm 2020 đã triển khai đấu thầu 35 gói thầu do BQL dự án làm chủ đầu tư, với tổng số vốn 568,2 tỉ đồng. Trong đó, có đến 28 gói thầu được tổ chức đấu thầu qua mạng.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Viết Thức – Trưởng phòng Kế hoạch – Đấu thầu thuộc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: Bùi Tiến).

Theo ông Trần Viết Thức – Trưởng phòng Kế hoạch – Đấu thầu thuộc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, trong số 28 gói thầu đấu qua mạng đó, tỷ lệ các gói thầu có ít nhà thầu tham gia (1-2 nhà thầu) chiếm tỷ lệ khoảng 50%.

“Khoảng 50% trong số đó có ít nhà thầu tham gia đấu. Mà chủ yếu là các gói nhỏ, có vốn đầu tư ít” – Ông Trần Viết Thức cho biết.

Tại BQL dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, năm 2020 có 26 gói thầu đấu thầu theo quy định trong nước, thì có 19 gói thầu đấu qua mạng.

Cụ thể, theo một cán bộ Phòng Kế hoạch – Đấu thầu BQL dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, trong năm 2020, BQL dự án đã triển khai đấu thầu 45 gói thầu xây lắp, trong đó có 20 gói đấu thầu theo quy định của nhà tài trợ và 26 gói thầu đấu thầu theo quy định trong nước.

“Trong 26 gói này thì có 7 gói đấu thầu trực tiếp và 19 gói thầu đấu thầu qua mạng, đạt 73%. Trong 19 gói thầu đấu thầu qua mạng có 9 gói thầu chỉ có 1-2 đơn vị tham gia” – vị cán bộ này cho biết.

“Sân chơi công bằng, minh bạch, công khai”?

Nói về tính ưu việt của đấu thầu qua mạng, ông Trần Viết Thức – Trưởng phòng Kế hoạch – Đấu thầu thuộc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, thực tế triển khai về cơ bản không có gì trục trặc lớn, tạo sân chơi công bằng, minh bạch, công khai. Bên cạnh đó, quá trình tổ chức thực hiện thì giảm được một số thủ tục hồ sơ, chi phí trong quá trình tổ chức đấu thầu, giảm giá thầu…

“Có gói thầu đấu qua mạng, giá dự toán 62 tỉ, qua đấu thầu giảm giá còn 52 tỉ. Hay có gói 59 tỉ, đấu thầu giảm giá còn 50 tỉ. Tỷ lệ giảm giá như vậy là cao, tiết kiệm được ngân sách cho Nhà nước” – Ông Trần Viết Thức cho biết.

leftcenterrightdel
 PV Báo BVPL trao đổi thông tin với ông Trần Viết Thức (Ảnh: Trần Đức).

Lý giải vẫn còn khoảng 50% gói thầu đấu qua mạng có ít nhà thầu tham gia, ông Thức đưa ra 2 nguyên nhân: Một là có thể gói thầu nhỏ, ít nhà thầu quan tâm; Hai là trước đây đấu giấy, nhiều nhà thầu trong tỉnh đi mua hồ sơ đấu. Giờ đấu qua mạng, tiêu chí hồ sơ, năng lực công khai, nên nhiều khi các nhà thầu thấy không đáp ứng được hồ sơ, sợ hậu kiểm sau này nên không tham gia, chỉ có những nhà thầu mạnh mới nộp hồ sơ đấu.

Về những bất cập còn tồn tại, cả ông Trần Viết Thức và Nguyễn Thanh Bình cùng chung nhận định, khi cho biết hiện nay cơ sở hạ tầng mạng đấu thầu, dữ liệu quốc gia về đấu có lúc “có vấn đề”.

leftcenterrightdel
 Một số công trình đấu thầu qua mạng ở Hà Tĩnh có tỷ lệ giảm giá thầu cao (Ảnh BT).

“Hạ tầng công nghệ của BQL dự án, đường truyền tốt, nhưng cơ sở hạ tầng mạng đấu thầu, dữ liệu quốc gia về đấu thầu hình như có vấn đề, vẫn còn chập chờn, nhiều khi mình ốp hồ sơ lên có lúc bị gián đoạn. Do đó không phải mình cố tình, nhưng nhiều khi gây hiểu nhầm” – Ông Thức cho biết.

Mặt khác, cũng theo đại diện các BQL dự án cấp tỉnh ở Hà Tĩnh, hiện nay bên mời thầu muốn kiểm tra, làm rõ hồ sơ của các nhà thầu trong thời gian đấu qua mạng có nhiều bất cập, khi không được tiếp xúc để kiểm tra hồ sơ. Chỉ đến khi đã mở thầu, thương thảo ký hợp đồng rồi thì mới có thể phúc kiểm, hậu kiểm xem hồ sơ của nhà thầu có đúng hay không.

“Nếu hồ sơ dự thầu đúng như hồ sơ gốc đã ốp lên mạng thì không nói. Nhưng nếu lệch thì phải làm lại quy trình, như thế thì sẽ kéo dài thêm thời gian” – Ông Trần Viết Thức cho biết.
Bùi Tiến - Trần Đức