Những gói thầu đấu là…trúng!
Ngày 16/12/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 11/2019, quy định về lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng. Theo lộ trình này, trong năm 2020 và năm 2021, gần như 70% các gói thầu phải đấu công khai qua mạng.
Việc này, nhằm loại bỏ những “góc tối” khi “đấu thầu giấy”, ngăn chặn việc "thông thầu", "bao thầu" do hệ lụy của việc “đấu giấy” gây ra.
Tuy nhiên, thực trạng đấu thầu qua mạng năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 tại một số Ban quản lý dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đang bộc lộ những điểm bất thường, khi rất nhiều gói thầu đấu qua mạng công khai, chỉ có 1 nhà thầu tham gia, đấu là trúng vì không có nhà thầu cạnh tranh.
|
|
Tại BQL dự án huyện Thạch Hà, năm 2020, có 17 gói thầu, thì có đến 16 gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia đấu và trúng (Ảnh Bùi Tiến). |
Theo số liệu do Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà cung cấp, năm 2020, tại đây có 17 gói thầu đấu qua mạng, thì có đến 16 gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia đấu. Những nhà thầu này, đương nhiên trúng thầu với giá bỏ thầu sít sao so với giá mời thầu.
Tại BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Can Lộc cũng tương tự, khi 8 tháng đầu năm 2020, có 4 gói thầu đấu qua mạng. Cả 4 gói thầu này đều chỉ có 1 nhà thầu tham gia và đương nhiên trúng thầu.
Những lý giải bất thường
Tại các BQL dự án cấp huyện khác cũng có tình trạng tương tự, dẫu rằng không chiếm đa số, nhưng thực tế các gói thầu chỉ có 1 đến 2 nhà thầu tham gia đấu rất nhiều, như tại TP Hà Tĩnh, 4 tháng đầu năm 2021 có 7 gói thầu đấu qua mạng, thì cũng chỉ có 1-2 nhà thầu tham gia đấu, tỷ lệ giảm thầu trên dưới 1%.
|
|
Nhiều gói thầu xây lắp, nguồn vốn lớn, cũng chỉ có 1-2 nhà thầu tham gia đấu (Ảnh Bùi Tiến). |
Trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật, ông Ngô Đức Quy – Trưởng BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà cho biết, việc đấu thầu qua mạng được đơn vị tổ chức công khai, minh bạch, nhưng không hiểu vì sao phần lớn các gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia đấu???
Nhận định việc này, ông Quy lý giải có thể các nhà thầu “nhìn” vào nguồn vốn nên không “mặn mà” tham gia: “Các nhà thầu giờ chỉ muốn làm các gói thầu có nguồn vốn ODA, ngân sách Trung ương, tỉnh rót về, chứ các gói thầu nguồn ngân sách của huyện… các nhà thầu không muốn làm, vì nhiều gói làm xong chậm có tiền giải ngân”.
Tuy nhiên, trước câu hỏi của PV, tại sao các nhà thầu tham gia tại các gói thầu do BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà mời thầu, lại xuất hiện những “gương mặt nhà thầu quen”, thì ông Quy không trả lời thẳng vào vấn đề?!
Đi tìm nguyên nhân
Để lý giải nguyên nhân rất nhiều gói thầu đấu qua mạng, chỉ có 1-2 nhà thầu tham gia đấu, dẫu rằng trước đó, khi đấu giấy, chỉ cần có thông báo mời thầu thì rất nhiều nhà thầu đến mua hồ sơ tham gia, bất kể gói thầu lớn hay nhỏ, PV Báo Bảo vệ pháp luật được nghe rất nhiều “kẽ hở”, phương cách “lách luật”, “gài thầu” mà nhiều BQL dự án đã áp dụng để “thông thầu”, “bao thầu”.
Một Giám đốc công ty xây dựng (đề nghị giấu tên) cho biết, đấu thầu qua mạng tưởng minh bạch, hạn chế khả năng “bao thầu”, “thông thầu”, nhưng BQL nào muốn, cũng có thể “gài đề bài” trong hồ sơ mời thầu.
“Ví dụ, mời thầu xây dựng 1 con đường, trong bài mời thầu BQL dự án chỉ cần đưa ra yêu cầu hồ sơ dự thầu phải có xác nhận của địa phương về điểm đổ, bãi thải. Thì chỉ cần nhà thầu nào tham gia đấu, là biết ngay, vì họ phải đi xin xác nhận trước khi nộp hồ sơ dự thầu. Và như thế, ai muốn “bao thầu” cứ thế mà gọi xin, gọi can thiệp” – Giám đốc này ví dụ.
|
|
PV báo Bảo vệ pháp luật trong 1 cuộc làm việc với đại diện BQL dự án đầu tư xây dựng TX Kỳ Anh (Ảnh Trần Đức). |
“Hoặc muốn đánh trượt nhà thầu nào, loại hồ sơ kỹ thuật nhà thầu nào, họ cũng “gài” được trong hồ sơ mời thầu, để chỉ nhà thầu quân đỏ, chạy dự án về là được trúng” – Giám đốc này nói tiếp.
Giám đốc một công ty cổ phần xây lắp khác cũng cho biết, có rất nhiều “mẹo” mà các BQL dự án mời thầu áp dụng, như bỏ quên, bỏ sót tài liệu khi đăng tải hồ sơ mời thầu.
“Phổ biến nhất là hồ sơ thiết kế bản vẽ kỹ thuật, tiêu chuẩn đánh giá năng lực… Nhà thầu nào muốn dự thầu, phải liên hệ để xin những tài liệu này, và như thế sẽ lộ ra nhà thầu muốn tham gia dự thầu. Nhà thầu quân đỏ cứ thế mà biết,mà đi gặp gỡ xin xỏ thôi. Nên các gói thầu đấu qua mạng mà chỉ có 1 nhà thầu tham gia cũng dễ hiểu” – Vị giám đốc này cho biết.
Rất nhiều “góc khuất” nữa trong việc đấu thầu qua mạng, cho thấy kẽ hở thực tế, dẫu pháp luật đã quy định, các bộ ngành đã áp dụng, hướng dẫn… Nhưng vẫn “muôn hình vạn trạng” để các bên mời thầu có thể hạn chế sự công khai, minh bạch của việc đấu thầu, nhằm bảo vệ nhà thầu con cưng, hoặc để thế lực nào muốn “bao thầu” đứng ra thực hiện.
Mà thực tế, các gói thầu đấu qua mạng chỉ có 1 – 2 nhà thầu tham gia đang cho thấy sự hoài nghi của dư luận là có cơ sở.