leftcenterrightdel
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo PCI trao đổi cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.  Ảnh: VCCI. 

Đây là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh giành vị trí đứng đầu cả nước về chỉ số PCI. Điểm số này của Quảng Ninh tăng 1,69 điểm PCI tổng hợp so với năm trước đó. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua điểm mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.

Kết quả này là từ những nỗ lực đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2020, khi chính quyền này đặt trọng tâm vào công tác hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do dịch COVID-19. Từ những kiến nghị của doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời giải quyết các vướng mắc nảy sinh do dịch COVID-19 về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp.

Quảng Ninh đã tăng số thủ tục hành chính đưa vào giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính tỉnh (1.939 thủ tục), cấp huyện (293 thủ tục) và đã cung cấp được 1.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đặc biệt, Quảng Ninh đã đưa được 525 thủ tục hành chính mức độ 3,4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng đầu cả nước.

Tại buổi lễ, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo PCI  công bố Báo cáo PCI, chúc mừng tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua chính mình và xác lập vững chắc vị trí “quán quân”. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua điểm mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho biết, PCI góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy, giúp các địa phương nhận ra tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. PCI cũng đem lại những chuyển biến tích cực về thái độ của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng là Đồng Tháp. Đồng Tháp một lần nữa cũng vượt qua kỷ lục của chính mình, khi đạt 72,81 điểm và xác lập năm thứ 13 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Đồng Tháp cải thiện đáng kể so với năm 2019 trong công tác cải cách thủ tục hành chính (tăng 1,1 điểm), tạo thuận lợi về gia nhập thị trường (tăng 0,81 điểm), giảm thiểu chi phí không chính thức cho doanh nghiệp (tăng 0,45 điểm)…

Ở vị trí thứ 4 là Long An 70,37 điểm, tăng 5 bậc so với năm 2019. Bước tiến mạnh mẽ của Long An là việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp, tăng 1,17 điểm và công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng 1,32 điểm.

Vị trí tiếp theo là Bình Dương 70,16 điểm. Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2020 bao gồm: Đà Nẵng (70,12 điểm), Vĩnh Long (69,34 điểm), Hải Phòng (69,27 điểm), Bến Tre (69,08 điểm), Hà Nội (66,93 điểm) và Bắc Ninh (66,74 điểm).

leftcenterrightdel
 Lễ Công bố Báo cáo PCI  thu hút sự tham dự của đông đảo đại diện các tỉnh, thành.  Ảnh: VCCI.

19 tỉnh, thành đứng trong nhóm điều hành khá, có điểm số từ 63,84 điểm – 66,56 điểm. Đứng đầu trong nhóm này là tỉnh Thái Nguyên với 66,56 điểm, xếp vị trí thứ 11. Đứng cuối trong nhóm này là Vĩnh Phúc, với 63,84 điểm.

32 tỉnh, thành nằm trong nhóm có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 ở mức trung bình. Nhóm này có mức điểm cao nhất 63,47 điểm với tỉnh Hà Nam. Hà Giang ở vị trí thấp nhất trong nhóm này với 61,16 điểm.

Kiên Giang và Bạc Liêu là 2 địa phương đứng cuối trong bảng xếp hạng PCI, số điểm lần lượt là 60,01 điểm và 59,61 điểm.

Báo cáo cho thấy, 2020 cũng là năm thứ tư liên tiếp mà điểm số của tỉnh trung vị đại diện cho bảng xếp hạng PCI đạt trên 60 điểm, và ghi nhận xu hướng hội tụ mạnh mẽ hơn khi mà khoảng cách điểm số giữa tỉnh có kết quả PCI cao nhất và thấp nhất tiếp tục được thu hẹp lại. Điều này phát đi tín hiệu những động lực và thực tiễn cải cách tốt đã được lan toả.

 
Hào Kiệt