Chỉ cần cung cấp bản photo chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và bỏ ra 2.598.000 đồng, 30 phút sau bạn có thể sở hữu ngay một chiếc iPhone 5S trị giá 12.990.000 đồng, nếu bạn tham gia chương trình mua hàng trả góp.

 


Mỗi tháng, bạn phải trả 2.037.000 đồng, trong vòng 6 tháng liên tiếp. Như vậy, tổng số tiền cả gốc và lãi phải trả là 14.820.000 đồng (tăng thêm 14% so với giá niêm yết) và mức lãi suất được áp dụng là 17% (tính trên dư nợ gốc).

Ai hưởng lợi?


Cho vay mua hàng trả góp là một hình thức cho vay tiêu dùng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt tại các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu... phần đông người dân vẫn lựa chọn hình thức tiêu dùng này để cùng một lúc có thể sở hữu nhiều sản phẩm hàng hóa khác nhau với một khoản trả trước nhất định, phần còn lại sẽ được hỗ trợ vay từ các công ty tài chính (CTTC) và trả dần hàng tháng, cộng với tiền lãi.

Tại Việt Nam, mặc dù mới xuất hiện khoảng một thập niên trở lại đây nhưng lĩnh vực này cũng đã có một tốc độ phát triển đáng nể. Theo báo cáo của CTCP Truyền thông Tài chính (StoxPlus), tổng quy mô thị trường cho vay tiêu dùng năm 2013 đạt gần 188.000 tỷ đồng (khoảng 8,88 tỷ USD), tăng trưởng trên 12% và chiếm 5,4% GDP. Sang năm 2014,  hoạt động này đạt trên 225.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2013, tương đương khoảng 6% GDP. Dự báo, đây vẫn là một lĩnh vực nhiều tiềm năng và sẽ có tốc độ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Hiện nhu cầu của thị trường rất lớn và khách hàng phổ biến là sinh viên, công nhân, người lao động có thu nhập trung bình thấp… Khi có nhu cầu, người tiêu dùng (NTD) chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hay bằng lái xe với một khoản tiền trả trước 10-30%... chỉ sau 30 phút xét duyệt hồ sơ, khi CTTC chấp nhận khoản vay thì NTD sẽ được sở hữu ngay chiếc điện thoại đời mới, chiếc tivi, laptop hay chiếc xe máy mà mình mong muốn... Ngay sau đó, CTTC sẽ giải ngân khoản vay trên cho nhà bán lẻ.

Theo đại diện truyền thông CTCP bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Shop), khi NTD chọn mua một sản phẩm mong muốn mà không đủ tiền để trả trực tiếp cho FPT Shop, nhưng được CTTC chấp nhận cho vay trả góp, lúc này FPT Shop giống như là một đại lý trung gian, bán hàng cho CTTC và CTTC bán lại cho NTD. Và mức lãi suất áp dụng là do các CTTC quyết định.

Hoạt động cho vay mua hàng trả góp đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa 3 bên: CTTC, nhà bán lẻ và NTD; không chỉ có ý nghĩa giúp nhóm đối tượng thu nhập thấp có thể chủ động trong chi tiêu, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn là cơ hội để các CTTC, nhà bán lẻ phục vụ và phát triển lượng khách hàng, mở rộng thị phần và thúc đẩy doanh số. Theo các chuyên gia, đây là một hoạt động cần được khuyến khích phát triển.

Nếu mọi chuyện đơn thuần và rõ ràng như thế thì có thể nói cho vay mua hàng trả góp là một dịch vụ trong mơ đối với NTD. Thực tế, có nhiều than phiền rằng NTD đang phải đối mặt với “ma trận” cho vay mua hàng trả góp với những cái “bẫy” lãi suất cắt cổ, đánh đồng với tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Lãi suất có phù hợp?

Ông Lê Huy Toàn, Giám đốc Ngành hàng tổng hợp, CTCP Thế Giới Di Động (TGDĐ), cũng đồng tình với đánh giá hoạt động cho vay mua hàng trả góp trên thị trường hiện có nhiều hình thức làm NTD bối rối. Lãi suất áp dụng là lãi suất tự thỏa thuận giữa các bên, theo luật của các tổ chức tài chính, không chịu sự điều chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước, dù rằng mức lãi suất hiện tại đã thấp hơn các năm trước nhưng vẫn còn khá cao.

Ông Toàn cũng khẳng định, không có chuyện nhà bán lẻ cùng hợp tác với các CTTC để ăn chia trên lãi suất NTD phải trả. Ngược lại, để tìm kiếm khách hàng và giành thị phần, trong thời gian tới các CTTC sẽ phải đưa ra nhiều gói dịch vụ tốt, lãi suất thấp hơn hiện tại.

Và để cạnh tranh, bảo vệ uy tín với NTD, ông Toàn cho rằng: “Ngay từ ban đầu chúng tôi phải sàng lọc, lựa chọn rất kỹ đối tác về điều kiện cho vay; các gói sản phẩm mang đến lợi ích gì cho NTD, có đủ sức cạnh tranh hay không?... Sau đó, TGDĐ sẽ minh bạch tất cả thông tin trên website, tờ rơi: giá niêm yết, hình thức cho vay mua hàng trả góp, lãi suất, tổng chi phí phải trả, mức chênh lệch… để NTD nắm rõ và có quyết định chọn lựa phù hợp”. Hiện TGDĐ chỉ có 3 đối tác chính: ACS, Home Credit, FE Credit; trong đó, FE Credit và Home Credit có mức lãi suất cạnh tranh, điều kiện thoáng và thời gian duyệt hồ sơ nhanh nên được NTD lựa chọn nhiều hơn.

Giải thích vì sao lãi suất cho vay mua hàng trả góp hiện vẫn ở mức cao, đại diện FE Credit cho rằng thực chất hoạt động cho vay mua hàng trả góp là dịch vụ tiêu dùng tín chấp, cho vay dựa trên uy tín là chính. Với thủ tục đơn giản, thời gian xét duyệt nhanh và không cần phải thế chấp hay chứng minh thu nhập nên rủi ro mà các CTTC có thể gặp là rất lớn, người vay không có khả năng trả nợ vẫn thường xảy ra.

Mặt khác, theo quy định, CTTC không được huy động tiền gửi từ dân mà chỉ được vay vốn của các nhà bán buôn là ngân hàng thương mại, phải chịu lãi vay ngân hàng. Mức lãi suất cho vay tín chấp được tính dựa trên lãi về vốn vay của ngân hàng, chi phí vận hành hệ thống, đặc biệt là chi phí quản lý rủi ro… vì vậy luôn cao hơn mức lãi suất ngân hàng.

Khảo sát qua thị trường cho vay mua hàng trả góp, ngoài sự hợp tác giữa CTTC và các nhà bán lẻ có thương hiệu với mức lãi suất phổ biến từ 10-20%; trong một số gói vay số tiền vay càng nhiều, thời gian vay dài, lãi suất càng cao, có thể lên đến 30-40%; thì còn có vô vàn hình thức cho vay trả góp được quảng cáo rầm rộ tại những cửa hàng nhỏ tự phát, trên mạng internet, thậm chí được dán đầy các cột điện… với lãi suất có thể lên đến 60-70%. Để bảo vệ quyền lợi của mình trước “trận đồ bát quái” mua hàng trả góp, NTD nên lựa chọn nhà bán lẻ và CTTC uy tín.

Các nhà bán lẻ và CTTC cũng khuyến cáo NTD trước khi quyết định mua cần tìm hiểu thông tin và tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp, tổng số tiền phải trả có phù hợp với khả năng chi trả... Đặc biệt, cần đọc thật kỹ các điều khoản của hợp đồng, quan tâm đến những điều khoản bất hợp lý nếu có và yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ, tránh tình trạng nhầm lẫn có thể dẫn đến tranh chấp, kiện tụng về sau.

 

Theo NTD

.