leftcenterrightdel
Theo ông Cường, thuế tài sản làm giảm thu nhập khả dụng, chi tiêu thực tế và tăng tỷ lệ nghèo ( ảnh: T.D)

Tại Hội thảo “Khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam” sáng nay 13/12, TS. Nguyễn Việt Cường, Trường ĐH kinh tế quốc dân Hà Nội từ nghiên cứu của mình đã cho rằng, thuế tài sản làm giảm thu nhập khả dụng, chi tiêu thực tế và tăng tỷ lệ nghèo. Cụ thể, thu nhập khả dụng giảm 0,9%; chi tiêu thực tế giảm 0,7%; tỷ lệ hộ nghèo không thay đổi và hệ số Gini (hệ số đo bất bình đẳng trong phân phối) giảm đi 0,65%. Đáng nói là các hộ gia đình có chủ hộ là nữ, chủ hộ nhiều tuổi, chủ hộ học vấn cao bị ảnh hưởng nhiều hơn. Tác động lên khu vực thành thị và các vùng đồng bằng cao hơn khu vực nông thôn và miền núi.

Theo TS. Cường, về kết quả phân tích các phương án thuế khác nhau cho thấy với phương án thuế áp dụng mức thuế suất 0,3% và có ngưỡng chịu thuế là 2 tỷ đồng đối với nhà ở là có tác động nhỏ nhất đối với hộ gia đình. Còn với phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng chịu thuế là 1 tỷ đồng đối với nhà ở là có tác động nhỏ hơn đến các hộ gia đình nhưng vẫn duy trì được doanh thu thuế cao.

Còn TS. Nguyễn Đức Thành nhìn nhận, thuế tài sản, đặc biệt là thuế bất động sản (BĐS), tuy không phải là nguồn quan trọng đối với ngân sách quốc gia nhưng là nguồn thu quan trọng ở địa phương tại hầu hết các nước. Nguồn thu này giúp cải thiện chi tiêu công tại địa phương. Do đó, có thể thấy hầu hết các nước đánh theo triết lý thuế địa phương. Đóng góp của thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tại Việt Nam còn khiêm tốn so với thuế BĐS tại các nước.

“Thuế tài sản nếu được ban hành như dự thảo hiện nay sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình. Tuy nhiên, nó không làm ảnh hưởng đến đói nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu”- ông Thành nói và cho rằng, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị nghèo đi chứ không phải do thu nhập của người nghèo được cải thiện. Vì vậy, đây không phải là một sắc thuế bền vững nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất lao động toàn xã hội.

leftcenterrightdel
TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, điều quan trọng nhất là tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của ngân sách ở mọi cấp ( ảnh: T.D) 

Hơn nữa, không có thuế tài sản chung chung mà cần cụ thể hóa thành một loại thuế nào đó có bản chất liên quan đến tài sản. Ở Việt Nam đã có một số loại thuế như vậy. “Theo kinh nghiệm quốc tế, BĐS là loại thuế địa phương và chính quyền địa phương có quyền hạn nhất định trong việc đặt ra thuế suất. Việc áp dụng luật thuế đại trà như trong dự thảo là đi ngược lại với thông lệ quốc tế, khó thực hiện”- ông nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, TS. Thành cho rằng, thuế BĐS không nhằm phân phối lại thu nhập mà là phân định lại khu dân cư (zoning). Nếu ngân sách địa phương không minh bạch và nguồn thu từ thuế BĐS không được dùng để cải thiện cơ sở hạ tầng và an ninh địa phương thì sẽ gây bất bình trong công luận. Một số sản phẩm lâu bền được coi là “tài sản” cần lưu ý tránh áp thuế tài sản để tránh trùng hoặc có thể sử dụng các loại thuế khác tiện lợi hơn như thuế trước bạ hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt.

Từ những phân tích trên, ông cho hay, điều quan trọng nhất là tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của ngân sách ở mọi cấp là điều cần thiết. Đặc biệt muốn cải thiện thu phải nâng cao tính giải trình của các khoản chi ngân sách. Và việc cải thiện ngân sách cần bắt nguồn từ tiết kiệm chi, chứ không phải việc tăng cường thu.

Thanh Dịu