Tình trạng nợ đọng thuế còn cao
Theo đó, Luật quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, trong 10 năm qua Luật quản lý thuế đã được bổ sung, sửa đổi ba lần (vào các năm 2012, 2014 và năm 2016), để khắc phục những hạn chế và để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc thường xuyên bổ sung, sửa đổi văn bản luật đã ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế, nhất là việc thích ứng của người nộp thuế đối với cơ chế chính sách mới được ban hành. Mặt khác một số văn bản Luật (như Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật thuế bảo vệ môi trường…) có nội dung quy định về quản lý thuế nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi trong Luật quản lý thuế. Vì vậy, chưa tạo ra sự thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật.
|
|
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Đặc biệt trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là hoạt động của các công ty đa quốc gia. Cùng với chính sách ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư đã nảy sinh rủi ro về xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Hội nhập quốc tế đòi hỏi phải bổ sung cơ sở pháp lý, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý thuế trong đó có chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam chúng ta cần tuân thủ.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng: Công tác thanh tra, kiểm tra là một khâu quan trọng trong quản lý thuế. Tuy nhiên, các quy định này cần được hoàn thiện cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (như Luật thanh tra, Luật khiếu nại, tố cáo, Luật xử lý vi phạm hành chính). Các quy định cần rõ về hành vi vi phạm, thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, mặt khác cần quy định rõ về xử lý nợ đọng thuế. Cùng với đó, cần nghiên cứu thực hiện nguyên tắc về quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế về quản lý thuế nhằm tạo ra cơ chế rõ ràng, minh bạch.
Những hạn chế bất cập về chính sách nói trên, cùng với cơ chế còn nặng về thủ tục hành chính, mặt khác do tính chất phức tạp của kinh tế thị trường, nhạy cảm trong công tác quản lý thuế đã ảnh hưởng đến việc tuân thủ quy định pháp luật về thuế và quản lý thuế. Tình trạng nợ đọng thuế còn cao, chưa được giải quyết một cách dứt điểm...vv.
Tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng thu từ thuế
Qua đánh giá thực trạng việc thực thi Luật quản lý thuế và qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết. Việc tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng thu từ thuế, phí, mở rộng cơ sở thu bảo đảm bao quát toàn bộ nguồn thu. Ngoài việc bổ sung, sửa đổi các luật thuế cần thiết phải sửa đổi Luật quản lý thuế cho phù hợp.
|
|
Cơ quan Hải quan làm thủ tục kê khai thuế cho doanh nghiệp |
Theo Bộ trưởng: Xuất phát từ yêu cầu của cải cách hành chính, trong đó có cải cách tài chính công, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế để phòng chống trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế.
Hơn nữa, việc sửa đổi Luật quản lý thuế nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, trong đó coi trọng phát triển thành phần kinh tế tư nhân, khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng quy mô đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động trong quá trình hình thành các tổ chức hợp tác, hoặc chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, tạo thuận lợi để mở rộng cơ sở nộp thuế. Luật quản lý thuế sửa đổi là nhằm tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định đa phương, song phương về thuế.
Thời gian qua, Bộ tài chính đã phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt nam và Hội Tư vấn thuế tổ chức hội thảo lấy ý kiến trực tiếp. Họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập và tham gia Hội thảo do Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội tổ chức để xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân.
Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được hơn 150 ý kiến của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ Tài chính tham gia ý kiến và một số nội dung có liên quan. Về cơ bản, các ý kiến tham gia đều thống nhất phạm vi điều chỉnh của Luật quy định việc quản lý thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu.
Tuy nhiên, để bao quát tất cả các nguồn thu của ngân sách nhà nước, dự thảo Luật quy định: Căn cứ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan, Chính phủ quy định việc quản lý đối với các khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu./.
Xuân Hưng