Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương quyết liệt phấn đấu thu cao hơn mức ước thực hiện nêu trên, giảm tối thiểu số địa phương hụt thu, trong đó có cả những địa phương là những trọng điểm tăng trưởng kinh tế - đồng thời cũng là trọng điểm thu, có đóng góp lớn cho NSNN nói chung và ngân sách trung ương nói riêng.

leftcenterrightdel
Theo ông Hưng, kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách  còn những bất cập nhất định 

Cũng theo ông Hưng, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội, đánh giá tổng thu ngân sách năm 2018 vượt dự toán 3%; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 24,5% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đánh giá đạt trên 6,7% (mục tiêu là 6,7%), tiếp tục cắt giảm sâu thuế quan theo các cam kết hội nhập...

Đối với năm 2019, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc dự toán số thu sát thực tế hơn. Theo đó, dự toán thu nội địa từ sản xuất – kinh doanh năm 2019 dự kiến tăng 12,8%, phù hợp với kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,6%-6,8% và lạm phát khoảng 4%. Đối với 16 địa phương có điều tiết về trung ương, dự toán thu năm 2019 tăng bình quân khoảng 13,1% so ƯTH 2018.

 Về chi NSNN, ông cho biết, 10 tháng năm 2018 ước đạt 72,4% dự toán; ước cả năm đạt 102,6% dự toán, trong đó các khoản chi thường xuyên, chi trả nợ lãi bám sát dự toán.

Ngoài ra, chi đầu tư phát triển giải ngân chậm, 10 tháng đạt 55,4% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 53,7% dự toán); ước cả năm chỉ đạt khoảng 88,2% dự toán. Trong thời gian còn lại của năm, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các công trình, dự án.

Đáng nói, bội chi, kiểm soát trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định cả số tuyệt đối và tỷ lệ so GDP (dự toán 3,7%GDP, ước thực hiện 3,67%GDP). Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội quyết định, đảm bảo toàn, an ninh tài chính (nợ công dự toán 63,9%, ước thực hiện khoảng 61,4%GDP).

Tuy nhiên, chi ngân sách nhà nước luôn là vấn đề lo ngại của dư luận xã hội. Theo ông Hưng, chi ngân sách tức là chi tiêu tiền thuế đóng góp của dân, của doanh nghiệp. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo, yêu cầu xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ tốt nhất cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; hướng tới mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển đất nước.

Trong bối cảnh cụ thể hiện nay, hai vấn đề lớn trong chi ngân sách đó là: kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách và cơ cấu lại ngân sách đảm bảo tính bền vững của nền tài chính quốc gia.

Về kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, ông Hưng cho rằng đúng là còn những bất cập nhất định. Còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài..., đội chi phí lên cao; việc tách bạch chi đầu tư thường xuyên khó bảo đảm các định mức kinh tế-kỹ thuật, giảm hiệu quả, tuổi thọ của công trình, dự án đầu tư; hiệu quả đầu tư công thấp...

Về cơ cấu lại chi NSNN thời gian qua đã thực hiện tích cực và bước đầu đã đạt được các kết quả nhất định, đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên thực hiện xuống 63% (mục tiêu là dưới 64%), tăng tỷ trọng chi đầu tư thực hiện lên 26-27% (mục tiêu là 25-26%); trong khi vẫn điều chỉnh tiền lương bình quân 7%/năm,...

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại chi giữa chi thường xuyên - chi đầu tư, giữa các lĩnh vực chi và trong từng lĩnh vực chi, giữa chi cho con người và chi cho các hoạt động khác còn khó khăn do chi thường xuyên chủ yếu là chi con người (khoảng 60-70%) nên việc điều chỉnh, cơ cấu phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công. Trong khi đó, các nội dung này thời gian qua thực hiện có tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu theo các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước.

Từ những nhận định đó, ông Hưng cho biết, trong thời gian tới, cần tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp sau để tăng cường kỷ cương kỷ luật NSNN.

Cụ thể, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo quy định của pháp luật các cơ chế, chính sách quản lý tài chính - ngân sách, định mức phân bổ, định mức chi tiêu ngân sách không còn phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các cơ chế, chính sách ban hành trái thẩm quyền hoặc trái với quy định của cấp trên.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ chi NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm soát chi NSNN để đảm bảo chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính – ngân sách và tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi…

Minh Nhật