leftcenterrightdel
Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan được cộng đồng DN quan tâm (ảnh: T.D) 

Còn theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, năm 2018, kết quả xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 (APCI 2018) thì ngành thuế xếp thứ nhất trong 8 nhóm thủ tục hành chính được đánh giá với chi phí tuân chỉ 73,75 nghìn đồng. Tính đến nay, ngành thuế đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet đối với 99,96% số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế. Việt Nam cũng đã triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố; tiếp tục triển khai thực hiện dịch vụ về kê khai, nộp thuế điện tử; hoàn thuế điện tử; hóa đơn điện tử.

 Trong lĩnh vực hải quan, đến nay đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá đối với 223 thủ tục. Hiện hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc với 100% quy trình thủ tục được tự động hóa và hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. Ngành hải quan cũng đã triển khai chương trình quản lý giám sát hải quan tự động cảng biển, cảng hàng không; thí điểm triển khai hệ thống thông tin, quản lý các DN hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu; triển khai nộp thuế qua ngân hàng… Thực tế, những kết quả trong cải cách nhóm thủ tục thuế, hải quan những năm gần đây đều được Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận tích cực.

Tuy vậy, ông Phòng cũng cho hay ngành thuế và hải quan vẫn còn tồn tại một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn đòi hỏi hai bên tiếp tục ngồi lại và trao đổi với nhau để tìm ra phương hướng giải quyết. Cụ thể như: chính sách, pháp luật thuế thay đổi tương đối nhanh, đi kèm với các mẫu biểu cũng có điều chỉnh khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực thi. Trong khi đó, một số cơ quan thuế lại chậm trễ trong việc trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp khiến doanh nghiệp phải tự tìm hiểu, dẫn tới việc doanh nghiệp dễ bị nhầm lẫn, thực thi không chính xác và doanh nghiệp lại phải mất thời gian tới cơ quan thuế để điều chỉnh.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh vướng mắc trong việc thông báo nợ thuế và phạt nộp chậm thuế. “Một số doanh nghiệp cho biết, khi có sự chênh lệch giữa số liệu thuế của doanh nghiệp và cơ quan thuế thì không có được sự hướng dẫn và đối chiếu giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp nên dẫn tới việc doanh nghiệp thường xuyên nhận được thông báo nợ thuế trong khi doanh nghiệp không nợ số thuế này. Chưa nhận được sự hướng dẫn cụ thể của cán bộ nơi tiếp nhận hồ sơ dẫn đến doanh nghiệp phải đi lại nhiều”, ông Phòng nói.

Cùng với đó, tình trạng tính nhầm thuế của doanh nghiệp vẫn diễn ra và doanh nghiệp mang chứng từ lên thuế đối chiếu nhiều lần, nhưng hàng tháng vẫn báo doanh nghiệp nợ thuế… “Thậm chí, có doanh nghiệp phản ánh cơ quan thuế địa phương căn cứ vào đó để làm khó và mất công sức và thời gian của doanh nghiệp.”- ông Phòng cho biết và đề nghị, khi doanh nghiệp sai thì cơ quan thuế phạt mà thuế sai thì cơ quan thuế cũng nên xin lỗi và tìm cách giải quyết cho nghiệp một cách nhanh nhất.

Để khắc phục tình trạng này, ông Phòng cho biết, doanh nghiệp đề nghị cơ quan thuế cải tiến hệ thống kê khai và đối chiếu ứng dụng công nghệ thông tin để doanh nghiệp có thể thuận tiện tra cứu thông tin về số thuế doanh nghiệp đã nộp, chưa nộp, còn thiếu và thời hạn để doanh nghiệp chủ động nộp hoặc điều chỉnh sớm để tránh phát sinh các khoản lãi phạt.

leftcenterrightdel
Ông Phòng cho rằng, chính sách, pháp luật thuế thay đổi tương đối nhanh khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực thi 

Đối với lĩnh vực hải quan, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, hiện tại doanh nghiệp đang gặp vướng mắc liên quan đến thực hiện Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trong đó khi xuất khẩu hàng hóa doanh nghiệp được hướng dẫn làm thủ tục hải quan xuất tại cửa khẩu nhập khẩu gây lãng phí cho doanh nghiệp. Cụ thể, một số doanh nghiệp cho rằng việc thay đổi chính sách về xuất khẩu tại chỗ “Những nguyên vật liệu dùng cho xuất khẩu đã được thông quan miễn thuế cho đến nay, kể từ ngày 1/9/2016 không được miễn thuế nữa nên doanh nghiệp phải nộp phần thuế đã được miễn, lãi chậm nộp và phạt chậm nộp tính đến nay”, điều này được Hải quan Hải phòng viện dẫn trong Nghị định 134/2016/NĐ-CP nhưng khi ban hành không đề cập việc loại trừ rõ ràng việc miễn thuế đối với hoạt động xuất khẩu tại chỗ (On sport export)”, ông Phòng nói.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng đã phản ánh về những vướng mắc như: Nghị định 140/NĐ-CP về thuế trước bạ của Việt Nam chậm cập nhật những thay đổi về giá. Nhiều loại xe hãng đã công bố giảm giá nhưng thuế trước bạ vẫn tính theo giá cũ làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như khiến khách hàng nghi ngờ có khuất tất đằng sau. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính sớm đề xuất sửa đổi Nghị định 140/NĐ-CP để tính thuế sát với thực tế, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng…

Nguyễn Anh