Chiều 5-4, Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng phối hợp với Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng tổ chức tọa đàm “Những khó khăn vướng mắc trong giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng”.
Ông Nguyễn Văn Bưởi, Giám đốc NH Công Thương Bắc Đà Nẵng nêu bật nhiều vướng mắc: đó là khách hàng vay thì có rất nhiều tài sản ở nhiều địa phương (quận, huyện) nhưng sau quá trình giải tỏa, di dời hồ sơ gốc ở NH, khi không trả, NH đi khởi kiện, tòa án đã ký hồ sơ đi xác minh tài sản thì cái nhà không còn nữa thì tòa án chuyển thành bản án “treo”.
Ông Bưởi đề nghị tòa án thành phố xem xét xử theo trách nhiệm người đảm bảo tài sản. Cũng theo ông Bưởi, khi cho vay, NH cũng không muốn đưa ra tòa giải quyết, mà trước khi ra tòa thì NH cũng đã tìm mọi biện pháp thỏa thuận, thương lượng, thậm chí cùng với người vay tìm cách trả nợ. Khi tòa án lập bản án liên quan đến tài sản công, tài sản chung thì có lúc triệu tập được người vay thì lại không triệu tập được người liên quan, buộc phải hoãn lần này đến lần khác nhưng tòa án vẫn chưa có biện pháp chế tài nào buộc họ phải tới nên NH phải mất rất nhiều thời gian theo kiện...
Ông Đinh Xuân Nha, Phó Giám đốc NH Vietinbank Đà Nẵng phát biểu tại tọa đàm.
Vấn đề này, đại diện NH SeAbank Đà Nẵng cũng cho rằng, khi các tài sản thế chấp là động sản như ô-tô, khi NH xử lý tài sản đó, khách hàng không chịu hợp tác hoàn tất các thủ tục hồ sơ thanh lý và nhiều lần tòa yêu cầu cũng vắng mặt nên dẫn đến quy trình tố tụng kéo dài, gây mất nhiều thời gian xử lý nợ cho NH vì vậy đề nghị tòa án cũng xét xử theo phương diện vắng mặt. Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Vinh, Giám đốc NH Đông Á Chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ, thực tế tại NH Đông Á, khi khách hàng vay thế chấp bằng ô-tô đứng tên công ty, sau đó, khách hàng đưa xe qua Lào thi công công trình và NH đề nghị khách hàng phối hợp với cán bộ NH đi kiểm tra tài sản thế chấp thì khách hàng không hợp tác và có dấu hiệu làm thất thoát tài sản. Khi khách hàng không trả nợ, NH làm hồ sơ khởi kiện thì không có tài sản thế chấp để tòa án thẩm định tại chỗ đối với tài sản thế chấp theo quy định của tòa nên vụ kiện không được giải quyết.
Ngoài ra, khi cho vay khách hàng ở địa chỉ rõ ràng, khi gặp khó khăn họ chuyển đi địa chỉ khác, thậm chí cố tình trốn và quên nghĩa vụ thanh toán nợ cho NH, buộc NH phải khởi kiện ra tòa và khi khởi kiện thì tòa án triệu tập đương sự nhưng cả NH và tòa án đều không xác định được nơi ở nên bản án này cứ... treo lơ lửng! Ông Vinh đề nghị tòa án xem xét có cách nào giải quyết không?
Đề cập đến nhiều khách hàng làm giả Giấy chứng nhận QSD đất qua mặt cơ quan chức năng để thế chấp vay NH, ông Đinh Xuân Nha, Phó Giám đốc NH Công Thương Đà Nẵng dẫn chứng những vụ việc đang diễn ra. Đó là trường hợp ông I. thế chấp tài sản là Giấy chứng nhận QSD đất (tài sản này được UBND TP cấp cho ông I. ngày 2-7-2014 và được Văn phòng đăng ký QSD đất Q. Thanh Khê kiểm tra và xác nhận việc đăng ký giao dịch đảm bảo đối với lô đất và tài sản trên đất của ông I). Tuy nhiên, sau khi vay gần 2 tỷ đồng ông I. không chịu trả nợ, NH làm đơn khởi kiện ra tòa án, thì tòa án tiến hành thẩm định xác nhận là Giấy chứng nhận QSD đất này là giả nên hồ sơ khởi kiện bị vô hiệu và mặc nhiên NH phải nhận lấy rủi ro là không thể xử lý tài sản thế chấp này và ông I. không phải chịu trách nhiệm gì là vô lý!
Đại diện nhiều NH cũng cho rằng tòa án các cấp khi thụ lý vụ án khởi kiện thì rất đảm bảo thủ tục nhưng khi thụ lý và xử lý còn chậm tốn nhiều thời gian của NH. Vấn đề này được ông Võ Minh, Giám đốc NHNN đề cập liên quan thời gian nhận bản án, lập bản án, xét xử, thi hành án của các NH và tòa án các quận, huyện có sự lệch pha nên ông Minh đề nghị tòa án và NH cần phối hợp tốt hơn với nhau để tháo gỡ khó khăn.
Theo ông Trần Huy Đức, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng, thời gian qua, số lượng các vụ tranh chấp liên quan đến hoạt động tín dụng ngày càng tăng về số lượng và tính phức tạp của vụ việc. Tuy nhiên, trong thực tế việc giải quyết vẫn tồn tại một số bất cập như: sự biến tướng của hợp đồng vay tài sản; xác định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng hoặc người có liên quan đối với hợp đồng vay tài sản; NH không thông báo cho khách hàng vay có nghĩa vụ trả nợ đúng hạn; NH thẩm định tài sản thế chấp chưa chặt chẽ; chưa có văn bản thông báo điều chỉnh lãi suất đến khách hàng... vì vậy, nhiều hồ sơ khởi kiện ra tòa chưa đảm bảo tính pháp lý nên kéo dài thời gian. Ông Đức lưu ý, các NH phải tăng cường giám sát khi công chứng, chứng thực người thế chấp, cần thẩm định kỹ giá trị tài sản thế chấp, định giá tài sản... Đồng thời, ông Đức cũng ghi nhận những vướng mắc phản ánh từ phía NH và cho biết TAND TP sẽ có văn bản trả lời gửi về NHNN và các đơn vị tòa án quận huyện để cùng gỡ khó khăn với các NH.
Theo Báo Công An Đà Nẵng