Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phải đạt 75.000 MW vào năm 2020 và lên 146.800 MW năm 2030 mới đáp ứng đủ nhu cầu. 

Trong đó, các nhà máy nhiệt điện than chiếm 48% tổng công suất vào năm 2020 và được nâng lên 51,6%, với tổng công suất lên đến gần 76.000 MW. 

Số  liệu mới cập nhật của Tổng cục Hải quan đến ngày 15/4 cho thấy, cả nước chi gần 1,1 tỉ USD để nhập khẩu hơn 11 triệu tấn than từ các nước. So cùng kỳ năm ngoái, sản lượng than nhập khẩu tăng gần 145% (tương đương 6,55 triệu tấn) và trị giá kim ngạch tăng gần 98%.

leftcenterrightdel
 Ước tính Việt Nam cần nhập 100 triệu tấn than/ năm

Hiện Việt Nam đang nhập khẩu than đá nhiều nhất từ Indonesia với hơn 3,7 triệu tấn trong quý đầu năm. Năm 2018, Indonesia cũng là thị trường cung cấp than đá lớn nhất của Việt Nam với 11,2 triệu tấn trong một năm. 

Tuy nhiên, xét về giá cả, than nhập từ Úc cao nhất, gần gấp đôi giá than nhập từ Indonesia. Cụ thể, tính trung bình, giá than nhập từ Úc lên đến 118 USD/tấn trong khi than Indonesia gần 64 USD/tấn.

Than nhập chủ yếu phục vụ nhiệt điện và một ít dùng cho công nghiệp nặng. Theo Quyết định 403 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14.3.2016, về quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030, thì nhu cầu than dành cho nhiệt điện là 64,1 triệu tấn vào năm 2020 và lên đến 131,1 triệu tấn vào năm 2030. 

Trong đó, sản lượng khai thác than trong nước chỉ chỉ đạt từ 47 - 50 triệu tấn vào năm 2020 và 55 - 57 triệu tấn vào năm 2030, phục vụ ngành nhiệt điện mà còn phục vụ cho công nghiệp nặng như luyện kim, xi măng, hóa chất, phân bón… Ước tính, 4 nhóm công nghiệp nặng này tiêu tốn gần 25,5 triệu tấn than vào năm 2030.

Như vậy, tổng nhu cầu sử dụng than của cả nước đến năm 2030 lên đến 156,5 triệu tấn, trong khi năng lực khai thác trong nước chỉ được tối đa 57 triệu tấn. Điều này đồng nghĩa trong hơn 10 năm nữa, Việt Nam phải nhập khẩu gần 100 triệu tấn than mỗi năm mới đủ sử dụng.


Ngọc Anh