Xuất khẩu cá tra hướng tới sản phẩm giá trị gia tăng
Cập nhật lúc 13:21, Thứ năm, 23/10/2014 (GMT+7)
Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm dưới dạng cá tra phi-lê đông lạnh (dạng thô), còn việc xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng thì rất khiêm tốn.
Hiện nay, cơ cấu sản phẩm cá tra xuất khẩu nước ta có đến 90% dưới dạng cá phi-lê đông lạnh, còn lại 10% là hàng giá trị gia tăng nhưng hình thức chế biến chưa sâu. Trong khi đó, gần đây các DN chế biến xuất khẩu cá tra phi-lê gặp khó khăn do sự cạnh tranh và biến động giá cả, còn các DN chế biến hàng giá trị gia tăng vẫn hoạt động ổn định.
Mặt khác, nhu cầu người tiêu dùng của nhiều thị trường trên thế giới đã thay đổi, chẳng hạn như người tiêu dùng tại châu Âu đã có sự dịch chuyển sang các sản phẩm chế biến sâu có thể dùng được ngay sau khi mua.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, các nhà máy chế biến cá tra Việt Nam hiện nay là hiện đại đối với chế biến sản phẩm thô. Để gia tăng giá trị cho sản phẩm cá tra thì việc đầu tư các công nghệ chế biến sâu đối với các DN là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. “Thời điểm này là giai đoạn hợp lý để đầu tư vào chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng và ai đi trước, có khả năng tiếp cận trước thì sẽ giành được cơ hội lớn” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, nguyên nhân khiến các DN chế biến và xuất khẩu cá tra hầu như chưa quan tâm đầu tư vào các sản phẩm giá trị gia tăng do trình độ chế biến của các doanh nghiệp còn thấp và cá tra phi lê có thể bán dễ dàng với khối lượng lớn hơn rất nhiều so với các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng.
Mặt khác, khả năng quản trị cũng là trở ngại lớn khiến các DN e ngại đầu tư chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, bởi một nhà máy chế biến hàng cá tra giá trị gia tăng phải có hàng trăm sản phẩm với hàng trăm loại bao bì khác nhau.
Các đại biểu tham dự tại hội thảo cũng thống nhất rằng, các DN chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam cần tập trung đầu tư vào công nghệ chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng để cung cấp đến tận tay người tiêu dùng trong và ngoài nước các sản phẩm thức ăn nhanh, thay vì chỉ sản xuất các sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh để tiêu thụ tại các nhà hàng và chế biến tại hộ gia đình như thời gian qua.
Đây là cơ hội để đáp ứng yêu cầu tiêu dùng từ sản phẩm thô sang sản phẩm ăn liền chế biến từ cá, giúp gia tăng khả năng cạnh tranh của DN, tăng nhu cầu sử dụng cá tra nguyên liệu. Đây là xu hướng chính để tăng lợi nhuận của toàn chuỗi sản xuất cá tra, nhất là nông dân nuôi cá tra trong thời gian tới.
Theo Báo Ấp Bắc
.