Khí thế mới trên công trình nghìn tỷ

Cách TP. Vinh khoảng 120km, Công trình thủy lợi Bản Mồng được Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư với số vốn “khủng”, gần 4.500 tỷ đồng. Đây là một dự án trọng điểm của Bộ NN&PTNT. Năm 2009, khi phê duyệt dự án này, Bộ NN&PTNT cũng tính toán đến phần bố trí vốn. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện cũng gặp khó khăn nên chưa thể khởi công.

Đến năm 2017, Bộ đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư giai đoạn 1 tại Quyết định số 2749/QĐ-BNN-XD ngày 28/6/2017; Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung thiết kế cơ sở và phê duyệt điều chỉnh TKKT-DT cụm công trình đầu mối tại Quyết định số 3763/QĐ-BNN-XD ngày 20/9/2017. Theo đó, đến đầu năm 2018 mới tiến hành khởi công thực hiện dự án trọng điểm này.

Theo ông Trần Văn Tạo, Phó BQLDA Bản Mồng thì Công trình thủy lợi Bản Mồng trước đây đã được người Pháp nghiên cứu để ngăn sông Hiếu tạo ra một hồ nước lớn nhằm mục đích tưới tiêu và cung cấp nước cho người dân. Vận dụng điều này, Bộ NN&PTNT vào nghiên cứu nhằm phát huy lợi thế địa hình tăng cường trị thủy, giúp kinh tế miền núi phía Tây Nghệ An phát triển.

Theo kế hoạch, khi dự án thực hiện xong sẽ cấp nước tưới cho 18.670 ha ven sông Hiếu, trong đó tưới tự chảy cho 4.446 ha, còn lại tưới động lực; cấp nước cho sông Cả về mùa khô khoảng 23 m³/s; kết hợp phát điện với công suất lắp máy khoảng 45 MW; cấp nước cho công nghiệp dân sinh và chăn nuôi trong vùng dự án; phát triển nuôi trồng thủy sản và tham gia cải tạo môi trường; kết hợp giảm một phần lũ cho hạ du sông Hiếu...

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng về kiểm tra công trình.
Ảnh: P.V  

Tuy nhiên, để khởi công được dự án nghìn tỷ này, công tác giải phóng mặt bằng gặp không ít khó khăn. Có những lúc đã phải dùng đến biện pháp cưỡng chế để khởi công cho kịp tiến độ. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) cho biết: Để khắc phục những phần việc bị ách tắc do GPMB, Ban 4 đã sáng kiến làm ngầm qua kênh dẫn dòng để đưa phương tiện, máy móc cùng vật tư vào phục vụ thi công đào hố móng đập chính kịp thời.

Ngoài ra, điều chỉnh diện tích GPMB nhỏ nhất để tiết kiệm nguồn vốn. Như ở đầu cầu qua kênh dẫn dòng điều chỉnh phần GPMB xuống chỉ còn 1/10 so với diện tích trước đây cùng phương án kỹ thuật đi cùng đã tạo điều kiện cho các nhà thầu đưa các loại thiết bị, máy móc hiện đại cùng vật tư, vật liệu vào thi công đập chính, đáp ứng yêu cầu thi công trong năm 2018. Do thi công ở địa hình rừng núi cùng tác động của biến đổi khí hậu, Ban 4 đã cập nhật chuỗi thủy văn trong 10 năm trở lại đây ở miền Tây Nghệ An để trình Bộ NN&PTNT phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở cho phù hợp thực tế… 

“Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là “vấn đề” đối với dự án. Đây mới là giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 của dự án nữa, muốn đúng tiến độ thì cần sự đồng thuận của người dân trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, việc bố trí vốn cũng mang tính chất quyết định hiệu quả của dự án này, thiếu vốn sẽ không làm được gì” - ông Sơn tâm tư.

Để thực hiện được dự án hàng nghìn tỷ đồng không phải là chuyện một sớm một chiều. Tuy nhiên, thành công bước đầu của dự án trọng điểm về thủy lợi đang tạo khí thế mới cho những người công nhân trên đại công trường này.

Chạy đua để vượt tiến độ

Đến với công trường thủy lợi Bản Mồng mới thấy được quy mô của đại công trình ngành nông nghiệp. Từ trên cao nhìn xuống, bắt gặp không khí làm việc hăng say của hàng nghìn công nhân. Mỗi người mỗi việc, mỗi vị trí, không ai bảo ai nhưng những động tác thì nhịp nhàng, thuần thục. Nhìn những trụ kết cấu bê tông với chiều dày hàng chục mét và chiều cao từ thân đập sau khi hoàn thành lên trên khoảng 45m mới thấy được sự vĩ đại của công trình này. Hàng loạt cần cẩu siêu trọng với hàng chục xe vận chuyển bê tông tấp nập vào ra công trường. Gần chục trạm trộn bê tông làm việc ngày đêm cung cấp vật liệu cho công trình. 

Dáng dấp một công trình đang ngày càng hiện rõ. Ban đêm công trường như một thành phố thu nhỏ với những ánh điện sáng lấp lánh từ những tia điện hàn, những bóng cao áp công suất lớn cộng với ánh đèn của ô tô, cần cẩu tạo nên một khung cảnh đầy màu sắc. Ông Trần Văn Tạo tự hào cho biết: Mặc dù được triển khai từ đầu tháng 3/2018, đến ngày 10/4/2018 mới tổ chức chặn dòng sông Hiếu để thi công cụm công trình đầu mối, nhưng với sự quyết tâm của Chủ đầu tư cùng với các nhà thầu, tư vấn thiết kế nên năm 2018 công trường đã thực hiện vượt tiến độ khoảng 20% so với kế hoạch; đặc biệt đê quây vượt tiến độ 2 tháng, bảo đảm chống lũ chính vụ an toàn.

Bên cạnh đó, hợp phần thủy điện đang được Chủ đầu tư cũng như các nhà thầu thi công phối hợp rất nhịp nhàng với hợp phần thủy lợi, đến nay tiến độ thi công của hợp phần thủy điện đáp ứng được yêu cầu tiến độ chung của cả dự án.

leftcenterrightdel
Ngày cũng như đêm, công nhân vẫn hăng say làm việc. 

Để làm được điều đó, từ tháng 3/2018 đến nay, công trường liên tục duy trì từ 600 - 1.000 cán bộ, công nhân luân phiên làm việc 3 ca. Họ là người của các nhà thầu mạnh, có nhiều kinh nghiệm trong thi công các công trình thủy lợi như: Công ty TNHH MTV ĐT&XD Hoàng Dân, Tổng Công ty xây dựng thủy lợi 4 - CTCP, Công ty TNHH Hòa Hiệp, Tổng Công ty 36. Bên cạnh đó, còn có cán bộ của Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4, phân công thành các tổ, thường xuyên bám sát công trường.

Năm 2019 là năm quyết định cho việc bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ. Theo kế hoạch năm 2019 sẽ tiếp tục thi công bê tông tất cả các hạng mục công trình: tràn xả lũ, cống xả sâu kết hợp xả cát, cống lấy nước, đập bê tông, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công,... Đặc biệt, theo kế hoạch thì tháng 12/2019 tiến hành chặn dòng đợt 2 để thi công đập phụ, đáp ứng mục tiêu hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2020 đầu năm 2021.

Điều ấn tượng là để tăng ca, kịp thực hiện đúng tiến độ, Ban 4 đã lắp đặt ngay các camera giám sát tại công trình, nhằm kiểm soát tiến độ cũng như chất lượng. Ông Nguyễn Văn Sơn tâm sự: Thực tế, đây cũng là sáng kiến của Ban, nhiều khi lãnh đạo chúng tôi hay các bộ phận quản lý không thể giám sát hết được 24/24 giờ. Có camera sẽ giúp cán bộ quản lý kể cả có công việc đi xa cũng dùng điện thoại thông minh để nắm bắt tình hình thực hiện ngay tại công trình được.

Ông Hoàng Xuân Thịnh, Quyền Giám đốc Ban 4 cho biết: Công trình thủy lợi Bản Mồng là công trình trọng điểm, là công trình lớn nhất ở thời điểm hiện tại do Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư. Chính vì rất quan trọng nên Bộ rất sát sao, nhiều chuyên gia hàng đầu về thủy lợi đã về dự án để đóng góp ý kiến, tư vấn cho dự án này. Kết quả là sau hơn 10 tháng thi công công trình bước đầu đã có những thành công vượt tiến độ. Công tác quản lý, triển khai công trường…thể hiện tính chuyên nghiệp và cẩn trọng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng về thăm và làm việc tại công trường cụm công trình đầu mối dự án Bản Mồng đã có những nhận xét rất tốt về dự án này. Thứ trưởng cho rằng, đây là dự án mẫu trong việc quản lý, triển khai công trường để các dự án tương tự của Bộ NN&PTNT học tập, làm theo.

Được động viên kịp thời của Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, từ những công nhân đến người quản lý trên công trường thủy lợi Bản Mồng như có thêm động lực để chạy đua với tiến độ. Và dù không khí xuân đang tràn ngập khắp nơi nhưng trên đại công trường ấy, những bàn tay, khối óc vẫn miệt mài, hăng say làm việc.

Lê Sử