Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
|
|
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng. |
Theo báo Bảo vệ pháp luật phản ánh: Hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy cấu kiện bê tông (phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đã hoàn thành. Tuy nhiên, Dự án này đang để lại nhiều nghi vấn, có dấu hiệu của sự khuất tất trong quy trình đấu giá.
Cụ thể, Dự án này có hai đơn vị tham gia đấu giá là Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Trường Thành 668 (Công ty Trường Thành 668) và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Trường Thịnh TLC (Công ty Trường Thịnh TLC). Tuy nhiên, tính đến thời điểm đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy cấu kiện bê tông tại phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý thì cả hai công ty tham gia đấu giá đều chưa đủ điều kiện được tham gia đấu giá. Sau đó, Công ty Trường Thịnh TLC vẫn trúng đấu giá dự án.
Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và khoản 2 Điều 8 Quyết định 52/2019/QĐ-UBND quy định về đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam thì đối tượng được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải bảo đảm các điều kiện sau:
“Điều 8. Đối tượng được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
2. Đối tượng được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải đảm bảo các điều kiện:
a) Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư:
- Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên.
- Có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án. Thể hiện bằng văn bản cam kết của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng về việc cho vay vốn để thực hiện dự án.
c) Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
d) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để cho thuê hoặc để bán kết hợp cho thuê; Dự án đầu tư kinh doanh bất động sản gắn với quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật nhà ở và kinh doanh bất động sản.”
Ngoài ra, đối với từng dự án cụ thể, cơ quan Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo các đơn vị đang được giao quản lý quỹ đất theo quy định lập Phương án đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có các điều kiện và đối tượng cụ thể được tham gia đấu giá dự án trên.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy cấu kiện bê tông (phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) nói trên, theo phản ánh của Báo Bảo vệ pháp luật thì Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam là đơn vị thực hiện cuộc đấu giá quyền sử dụng đất đã ban hành Thông báo số 589/TB-TTĐGTS/2019 về việc niêm yết, thông báo đấu giá dự án theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Trong đó, quy định rõ về điều kiện được tham gia đấu giá: “Điều kiện nhà đầu tư tham gia đấu giá phải có đủ điều kiện về vốn, năng lực tài chính để thực hiện đúng tiến độ đầu tư dự án hoặc khả năng tài chính để thực hiện dự án theo quy định tại khoản 2, Điều 14, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Nhà đầu tư tham gia đấu giá phải có ngành nghề kinh doanh phù hợp với mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, phù hợp với quy hoạch khu đất đấu giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt” và “Hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá phải có: Báo cáo tài chính hai năm gần nhất đã nộp cho cơ quan thuế. Trường hợp báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán mà pháp luật quy định phải kiểm toán thì phải có báo cáo kiểm toán kèm theo”.
Trường hợp nếu cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện mà vẫn được tham gia đấu giá hoặc đăng ký tham gia đấu giá và trúng đấu giá thì tùy vào mức độ của hành vi sai phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
1. Xử lý hành chính
Theo Điều 24 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:
“Điều 24. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
i) Cho phép người không đủ điều kiện tham gia đấu giá tham gia cuộc đấu giá;
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
b) Cho người không được đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà tham gia đấu giá;
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Hủy kết quả đấu giá tài sản nếu tài sản đấu giá là tài sản công đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều này dẫn đến làm sai lệch kết quả đấu giá; điểm i khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều này trong trường hợp người không đủ điều kiện tham gia đấu giá hoặc không được đăng ký tham gia đấu giá là người trúng đấu giá; điểm d khoản 4, các điểm a, d, e và l khoản 5 Điều này;
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, d, m, r và t khoản 2, các điểm i và k khoản 3, khoản 4, các điểm c, d, g, h và i khoản 5 Điều này”.
Do đó, nếu trường hợp có vi phạm xảy ra thì ngoài việc bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đối với từng hành vi vi phạm thì kết quả đấu giá tài sản có sai phạm cũng bị hủy và người vi phạm buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
2. Xử lý hình sự
Trong trường hợp hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản sẽ bị xử lý về mặt hình sự theo quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:
“Điều 218. Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;
b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;
c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.