Sáng 21.5, trả lời báo Sài Gòn Tiếp Thị liên quan đến bài báo Trứng bẩn bán tràn lan trên thị trường (SGTT ra ngày 17.5), ông Huỳnh Tấn Phát, phó chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM, cho hay chi cục Thú y TP.HCM đã yêu cầu trạm trưởng thú y quận 5 và quận 7 phải tiến hành kiểm tra ngay những địa điểm để xảy tình trạng mua bán trứng gia cầm bẩn chưa qua kiểm dịch.
 

Ngay sau đó, trạm thú y quận 7 đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với hộ kinh doanh của bà C., đồng thời tịch thu tiêu huỷ số trứng chưa qua kiểm dịch. Trạm thú y quận 7 cũng xử lý vi phạm các cơ sở đã cung cấp trứng chưa qua xử lý cho bà C. Đối với trường hợp người kinh doanh dùng tay nhặt trứng ngay trên vỉa hè ở chợ Phú Hữu, quận 5 như trong bài báo đề cập, trưởng trạm thú y quận 5 phải làm giải trình, thời gian trong vòng mười ngày phải nộp về chi cục để làm cơ sở tiến hành xem xét kiểm điểm. “Quan điểm của chi cục Thú y TP.HCM là không bao che, cơ sở nào sai phạm đến đâu sẽ bị xử lý đến đó”, ông Phát nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề thời gian qua lực lượng thú y ở các quận, huyện có biểu hiện quản lý lỏng lẻo nên để xảy ra tình trạng trứng bẩn bán tràn lan, ông Huỳnh Tấn Phát khẳng định đơn vị này thường xuyên triển khai các đợt kiểm soát thị trường nhằm chấn chỉnh tình trạng kinh doanh trứng bẩn. Qua kiểm tra có phát hiện một số chợ còn phát sinh hiện tượng người kinh doanh trộn lẫn trứng được đóng hộp với trứng chưa qua kiểm dịch, không có nguồn gốc. Ngoài ra cũng có tình trạng người dân mua trứng về tự đóng hộp rồi dùng xe đẩy, xe đạp bán trứng ở các con hẻm. Tất cả những trường hợp này đều đã bị xử lý hành chính, đồng thời tịch thu sản phẩm tiêu huỷ.

* Nếu cứ làm như thời gian vừa qua (bắt, xử lý rồi lại tha) thì tình trạng buôn bán trứng bẩn sẽ vẫn tái diễn?

- Thời gian qua chúng tôi đã xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm quy định bán trứng chưa qua xử lý. Những trường hợp kinh doanh không có nguồn gốc thì bị tịch thu tiêu huỷ và mỗi năm lực lượng thú y tiêu huỷ tới 1 triệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ việc quản lý sản phẩm trứng gia cầm về lâu dài phải có thông tư, quy định ở cấp bộ để từ đó các địa phương có định hướng quản lý hoạt động kinh doanh trứng được vào nề nếp. Hiện nay, văn bản pháp lý áp dụng chưa đủ, thậm chí nhiều vấn đề còn chưa có nên thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, nếu có thông tư hướng dẫn thì chúng tôi mới dễ dàng thực hiện chủ trương, thậm chí là đưa ra các chế tài di dời các cơ sở trong nội thành ra ngoại thành được.

* Hiện thành phố còn tồn tại hơn 70 cơ sở kinh doanh trứng cấp 1, hàng trăm cơ sở cấp 2, cấp 3, nhiều cơ sở trong số này không đủ điều kiện kinh doanh. Hướng xử lý tới đây đối với những trường hợp này sẽ như thế nào, thưa ông?

- Trước đây thành phố cũng có ý định quy hoạch, di dời những cơ sở xử lý kinh doanh trứng gia cầm ra ngoài khu vực ngoại thành. Và nhiều năm nay chi cục Thú y TP.HCM không khuyến khích cấp phép cho tồn tại những cơ sở mới, cơ sở không đạt điều kiện trong nội thành. Vừa qua, trước việc tăng cường kiểm tra, giám sát, có nhiều cơ sở đã chủ động đưa cơ sở xử lý trứng ra ngoài như Vĩnh Thành Đạt, VietFarm và tôi nghĩ về lâu dài cũng phải đưa hết ra ngoài để đảm bảo điều kiện tốt hơn chứ không thể cho tồn tại lẫn lộn trong khu dân cư được. Trước mắt, cơ quan thú y thành phố áp dụng thông tư 14 của bộ Nông nghiệp để kiểm tra, phân loại và đánh giá từng cơ sở. Hiện chúng tôi đang bắt đầu triển khai đánh giá lại toàn bộ các cơ sở và sẽ cung cấp cho báo chí kết quả đánh giá trong thời gian tới. Ngoài ra, những cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh thì cơ quan thú y và chính quyền địa phương cũng đang có biện pháp khống chế công suất xử lý trứng chứ không cho làm tràn lan như trước đây nữa. Đây cũng là một bước để các cơ sở này phải đưa ra kế hoạch chuyển ra ngoài. Bên cạnh đó, những cơ sở này cũng sẽ bị kiểm tra chặt chẽ hơn về điều kiện kinh doanh so với các cơ sở đã đầu tư cơ sở mặt bằng, nhà máy đảm bảo tiêu chuẩn.
 

Theo Hoàng Bảy
SGTT

.