Chậm thông quan, DN phải hủy hợp đồng, công nhân nghỉ việc
Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thẳng thắn nói tại buổi họp báo Thường kỳ Chính phủ chiều tối ngày 31/1 trước tình trạng ban hành văn bản pháp luật nhưng không xem xét thực tế, mà cụ thể là Thông tư 08 và Thông tư 09 của Bộ Tài nguyên và Môi trường gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thông quan hàng hóa, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và chi phí của doanh nghiệp.
|
|
Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, công tác đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật cần phải thực hiện sâu sát hơn (ảnh: T.Dịu) |
Cụ thể, qua kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng, theo báo cáo của cơ quan liên quan, hiện có tổng số 24.184 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng trên cả nước (trong đó, số lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày là 6.733 container; số tồn đọng trên 90 ngày là 9.872 container).
Việc chậm được thông quan các lô hàng này, mỗi ngày doanh nghiệp phải chi trả khoảng 40-50 USD/container/ngày tiền lưu kho, bãi, với 16.605 container (đang bị lưu giữ từ 30-90 ngày), gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng từ 600.000-800.000 USD/ngày. Ngoài ra, theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất, công nhân nghỉ việc, hủy hợp đồng, các hãng tàu chở phế liệu từ chối hoặc tăng 1,5 lần giá cước vì chủ tàu cho rằng hàng về Việt Nam khó khăn trong việc thông quan.
Với trách nhiệm của cơ quan liên quan, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, quy định của Thông tư 08 và Thông tư 09 được xây dựng trong bối cảnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về việc hạn chế nhập khẩu phế liệu khi các nước láng giềng trong khu vực đều có chính sách nghiêm khắc về việc nhập khẩu phế liệu. Thông tư 08, 09 được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ môi trường nhưng thực tế có một loạt quy định thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Hải quan vô tình có sự chồng chéo, khó thực hiện cho địa phương.
Bên cạnh đó, cũng do địa phương chưa thực sự giám sát để có thể giảm thời gian thông quan của các lô hàng hoá. Tổ công tác của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và trong thời gian tới sẽ sửa đổi các quy định Nhà nước về việc nhập khẩu phế liệu theo hướng tăng cường trách nhiệm hậu kiểm của các cơ quan về tài nguyên môi trường tại địa phương, thay vì kiểm tra trước thông quan; cũng như là việc thông quan dựa trên cơ sở giấy chứng nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá độc lập.
“Từ thực tế này chúng tôi thấy rằng công tác đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật cần phải thực hiện sâu sát hơn và việc xử lý các vướng mắc về thay đổi việc thực hiện quy định cần có sự chung tay của các cơ quan liên quan. Chúng tôi mong rằng sắp tới có sự phản ánh góp ý của doanh nghiệp để Bộ có thể đồng hành cùng doanh nghiệp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hiệu quả” – ông Thành thừa nhận.
|
|
Theo quy định Thông tư 08, một container chỉ thực hiện 1 ngày là thông quan nhưng thực tế đang là 29 ngày (ảnh minh họa: T.D) |
Sẽ không giao trách nhiệm cho Sở TN&MT các tỉnh, thành phố
Còn theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc tồn đọng 24.124 container tại các cảng biển trên cả nước, đây là số lượng rất lớn. Số container này sẽ rất tốt nếu ta thông quan tốt, cung cấp kịp thời cho các nhà máy trong nước. Các nhà máy sản xuất chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nếu như chậm thông quan sẽ ảnh hưởng đến nguyên liệu, công nhân nghỉ việc, cắt hợp đồng với đối tác đã ký… Đây là câu chuyện rất lớn vì là nguồn nguyên liệu rất cần cho sản xuất.
“Rất tiếc khi thực hiện việc này, chúng ta đã không kiểm soát kỹ việc ban hành các văn bản, gây ra các rào cản, thủ tục mà chính chúng ta đã vô tình giết chết doanh nghiệp”- ông nói và cho hay, một lô hàng container phế liệu phải qua 4 cơ quan kiểm tra, kiểm soát đó là: Sở TN&MT địa phương cấp cho doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; cơ quan hải quan; cơ quan giám định độc lập và cơ quan quản lý Nhà nước là Sở TN&MT tại nơi nhà máy đóng.
“Trong khi đó doanh nghiệp được gì? Giám định độc lập là cơ quan giúp cho toàn bộ vấn đề trách nhiệm trước pháp luật liên quan đến chất lượng giám định. Còn Sở TN&MT là nơi nhà máy đóng, trong khi hàng hoá về một chỗ. Ví dụ hàng về cảng Cát Lái (TPHCM) nhưng nhà máy nằm ở xung quanh TPHCM. Khi có kết quả của cơ quan giám định độc lập rồi thì đưa giấy về Sở TN&MT để Sở cử cán bộ xuống cảng, mở container ra kiểm tra bằng mắt thường xem có phải phế liệu thật không. Rõ ràng ta ban hành những quy định này ra đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, khiến họ phải rơi nước mắt”- ông thẳng thắn nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho hay, nhà máy cần phế liệu thì không thông quan được vì Hải quan cho rằng khi thông quan phải áp dụng theo Thông tư cũ. Ngày 17/1, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo cả nước phải rút kinh nghiệm về việc container phế liệu về nhôm của Hàn Quốc và phải xin lỗi một doanh nghiệp Hàn Quốc vì làm doanh nghiệp lỗ tới 14,5 tỷ.
Đồng thời cho biết, Thủ tướng rất gắt gao trong việc không đánh giá kỹ tác động mà đã ban hành Thông tư là vô cảm. Trong khi đó trước khi Tổ công tác xuống, Thủ tướng đã nghe các doanh nghiệp phản ánh rất nặng nề về việc này, thậm chí có doanh nghiệp còn khóc với Thủ tướng…
Cũng theo Bộ trưởng, sinh ra những việc này là do: Sở TN&MT không có tiền để chở cán bộ TNMT đến Cảng. Ví dụ ai sẽ cấp tiền cho Sở TN&MT xuống Hải Phòng để mở từng container kiểm tra bằng mắt thường? Những chi phí này DN đều phải lo hết. Chưa nói đến việc theo quy định Thông tư 08, một container chỉ thực hiện 1 ngày là thông quan nhưng thực tế đang là 29 ngày, việc này xảy ra tại Cảng Cái Mép. Sở TN&MT chiếm tới 90% thời gian này, còn toàn bộ là thời gian của Hải quan để chờ giấy, mặc dù chỉ cần ký xác nhận thôi nhưng Hải quan phải chờ. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là sẽ đưa vào Nghị quyết của Chính phủ là không giao trách nhiệm cho Sở TN&MT các tỉnh, thành phố nữa.