Trước bối cảnh nhu cầu vốn doanh nghiệp giảm, gần đây các ngân hàng liên tục đưa ra các gói cho vay tiêu dùng. Nhiều nơi rao lãi suất 0% nhưng đây chỉ là thông điệp quảng cáo.
 

 

Một chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ cho rằng, trần lãi suất huy động đầu vào hiện vẫn duy trì 7%/năm và không ít nhà băng nhỏ còn huy động vượt trần thì lãi suất cho vay ra 0% là chuyện khó tin. Thực chất lãi suất 0% chỉ được ưu đãi trong thời gian ngắn, sau đó, nhà băng sẽ tự tăng lên mức cao để bù lại. Đặc biệt, các công ty tài chính, lãi suất cho vay còn lên đến 35 – 40%/năm.

Nở rộ lãi suất 0%

Thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện cuộc đua lãi suất cho vay tiêu dùng 0%.

Chị Anh Thy ở Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, chỉ trong tháng vừa qua có đến ba ngân hàng gọi điện tới mời chị vay vốn tiêu dùng, mua nhà, ôtô, với lãi suất 0% và nếu đồng ý vay, khi giải ngân còn được tặng thêm quà khuyến mãi.

TienPhong Bank cho vay mua xe ôtô doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi 0%, hỗ trợ khoản vay tới 75% giá trị xe (tương đương dưới 2 tỉ đồng) trong vòng 24 tháng. Lãi suất vay tiêu dùng, vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà cửa tại TienPhong Bank vừa được công bố cũng chỉ từ 0%.

HDBank dành lãi suất 0%/năm cố định trong năm đầu tiên dành cho khách hàng mua căn hộ thuộc dự án Dragon Hill Residence and Suites (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM).

NamA Bank ưu đãi lãi suất từ 0 – 10,8%/năm khi khách vay vốn từ 200 triệu đến 5 tỉ đồng.

Không ít ngân hàng còn đẩy vốn cho vay tiêu dùng tín chấp (không tài sản đảm bảo), với hạn mức lên đến 500 triệu đồng/khách hàng như tại ACB.

Nguồn vốn ngân hàng dành cho tiêu dùng hiện rất dồi dào, vì hiện NHNN không còn khống chế tỷ lệ dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này. ACB có chính sách đẩy mạnh vốn hỗ trợ cá nhân từ đầu năm, với gói vốn 2.000 tỉ đồng. Sacombank, với chiến lược đẩy mạnh cho vay phân tán, nhỏ lẻ, liên tục đưa ra các gói vốn ưu đãi lãi suất cho cá nhân vay mua, sửa chữa nhà, tiêu dùng, với hàng ngàn tỉ đồng. Eximbank có gói 5.000 tỉ đồng…

Ngoài hệ thống ngân hàng, hiện các công ty tài chính nước ngoài với chức năng chủ yếu cho vay nhỏ, lẻ (tiêu dùng trả góp) cũng đang lấn sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Thông qua hình thức trả góp, các công ty tài chính sẵn sàng hỗ trợ vốn tiêu dùng cho khách hàng cá nhân, với khoản vay chỉ từ vài triệu đồng lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng không cần tài sản đảm bảo.

Cẩn trọng với cách tính

Anh Công Tĩnh, đang công tác tại quận 3, TP.HCM cho biết, cách đây hai năm anh được nhân viên của một công ty tài chính chào gói vay tiêu dùng. Anh vay 30 triệu đồng tín chấp. Dễ tính, nên anh Tĩnh không quan tâm nhiều đến các điều khoản trong hợp đồng và cách tính lãi suất của đơn vị cho vay, chỉ biết lãi suất khoảng 1,8%/tháng. Nhưng đến khi trả nợ đến tháng thứ 2 anh Tĩnh mới tá hoả, vì lãi suất được tính trên dư nợ ban đầu. Lúc này, anh Tĩnh mới biết, đây là gói cho vay lãi suất tính theo đầu kỳ (tính ra lãi suất của khoản vay lên đến 40 – 50%/năm). Song nếu muốn tất toán khoản vay trước hạn, anh Tĩnh phải đóng phí phạt rất cao trên tổng dư nợ khoản vay ban đầu nên anh đành tiếp tục trả nợ góp. Chỉ 30 triệu đồng, nhưng hơn hai năm đã qua, anh Tĩnh vẫn chưa dứt nợ.

Khi được chào mời lãi suất 0%, không ít người đã tính đến ngân hàng gõ cửa vay vốn mua nhà, ôtô. Thế nhưng, sau tìm hiểu kỹ mới biết được mức lãi suất này chỉ được các nhà băng ưu đãi trong tháng đầu tiên, sau đó sẽ tăng cao trong kỳ hạn tiếp theo để bù lại.

Lãi suất 0% tại TienPhong Bank chỉ trong ba tháng đầu cho khoản vay trên 24 tháng (2 tỉ đồng trở lên); và 0% ở một tháng đầu cho khoản vay trên 24 tháng, dưới 2 tỉ đồng. VietBank áp dụng tháng đầu lãi suất 0%/năm khi vay tiêu dùng, mua, sửa chữa nhà; từ tháng thứ 2 lãi suất 12,56%/năm và cố định 11 tháng tiếp theo. Kể từ tháng thứ 13 trở đi, lãi suất thay đổi theo quy định của VietBank, mức cao nhất còn lên đến 15 – 17%.

Nhiều nhà băng thừa nhận, với cho vay tiêu dùng, lãi suất thường cao hơn so với việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp do rủi ro cao và chi phí cao cho quản lý những khoản vay nhỏ. So với khu vực doanh nghiệp, lãi suất đã được giảm xuống 10 – 15%/năm thì lãi suất cho vay tiêu dùng thực tế hiện nay vẫn còn ở mức khá cao. ANZ áp dụng lãi suất từ 25%/năm trở lên cho khoản vay 500 triệu đồng trong thời gian 60 tháng hoặc HSBC trên 24% cho khoản vay 250 triệu đồng.

Còn lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường theo lãi suất thoả thuận và họ được phép thu các loại phí liên quan, vì thế không ít khách hàng sau khi vay đã tá hoả với lãi suất dao động lên đến 40 – 50%.
 

Theo Trần Thanh
SGTT

.