Từ đầu năm đến nay, dù trên địa bàn Hà Nội không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, song tình trạng vi phạm về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn rất phổ biến. Trong khi đó, công tác quản lý ATTP cũng đang gặp nhiều khó khăn.
 


Đụng đâu cũng đáng lo

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội chiều 29-10, đại diện các Sở, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo đã chỉ ra nhiều con số cảnh báo cho thấy thực trạng mất ATVSTP trên địa bàn thành phố vẫn rất nhức nhối. Trong đó, từ đầu năm đến nay, riêng ngành công thương đã xử lý 924 vụ vi phạm về ATTP với số tiền phạt lên đến trên 4 tỷ đồng. Những vi phạm được phát hiện hết sức đa dạng, đặc biệt là tình trạng buôn bán, kinh doanh gia cầm, cá giống, cá quả không rõ nguồn gốc. Sai phạm trong việc kinh doanh nội tạng, nầm lợn hay các sản phẩm thủy sản như bạch tuộc muối, chả mực, ngao, hàu không đảm bảo ATTP cũng còn khá phổ biến.

Ở lĩnh vực quản lý của ngành y tế, ông Lê Đức Thọ, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, 9 tháng đầu năm, thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và xử lý 44 cơ sở vi phạm ATTP. Chi cục ATVSTP  giám sát 429 cơ sở dịch vụ ăn uống và sản xuất thực phẩm, có đến 16,1% cơ sở không đạt yêu cầu. Tương tự, đại diện Sở NN&PTNT thành phố bày tỏ lo ngại về tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng quy trình. Qua xét nghiệm, nhiều mẫu rau, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Ngoài ra, nhiều mẫu thịt, mẫu thủy sản không đạt chỉ tiêu vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ngay đến lĩnh vực đảm bảo ATTP trong các trường học, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, cũng còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại. Chẳng hạn việc xét nghiệm định kỳ nước uống cho học sinh sử dụng hàng ngày, hay kiểm soát ATTP tại các trường bán trú có bếp ăn tập thể…

Một cơ sở phải xin 2-3 giấy phép

Cũng tại cuộc họp, vấn đề chồng chéo trong quản lý ATTP giữa 3 ngành y tế, NN&PTNT và công thương tiếp tục được mổ xẻ. Đây là vấn đề đã tồn tại rất lâu nhưng đến nay vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được giải quyết, đặc biệt là sự chồng chéo trong cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Vân, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp - Sở Công Thương dẫn ví dụ: nhóm ngành hàng như tinh bột, bánh kẹo, ô mai, theo quy định hiện nay được giao cho ngành công thương quản lý, còn các sản phẩm nông nghiệp như rau, củ quả do ngành nông nghiệp quản lý. Điều này làm xảy ra tình trạng một doanh nghiệp vừa sản xuất miến gạo vừa sản xuất miến dong thì phải xin 2 giấy phép vì sản xuất miến gạo do ngành công thương cấp phép còn miến dong do ngành nông nghiệp cấp. Tương tự, với doanh nghiệp sản xuất ô mai, ô mai ngọt do ngành công thương chịu trách nhiệm quản lý còn ô mai mặn lại do ngành nông nghiệp quản lý… Như vậy chắc chắn gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời khó khăn cho chính các cơ quan quản lý.

Để khắc phục thực trạng này, các đại biểu đề xuất liên Bộ Y tế - Công Thương - NN&PTNT sớm ban hành quy định danh mục nhóm sản phẩm thuộc quản lý của ngành để các đơn vị có căn cứ thực hiện. Trong thời gian chờ đợi sự điều chỉnh từ các quy định pháp luật, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - Phó Ban chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội đề nghị các Sở, ngành cần tăng cường phối hợp tốt hơn nữa để thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố và kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
 

Theo An ninh Thủ đô

.