Trước diễn biến phức tạp ở biển Đông, nông dân lo lắng khi vải chín rộ sẽ có nguy cơ rớt giá, vì chúng ta vẫn lệ thuộc tới 40% sản lượng tiêu thụ vào thị trường Trung Quốc (TQ).
 

 

Tính đến ngày 3/6/2014, lượng vải sớm được tiêu thụ ước đạt 250 tấn. Dự kiến tổng sản lượng vải sớm toàn tỉnh ước đạt 17.500 tấn. Trong đó huyện Tân Yên: 150 tấn; huyện Lục Ngạn: 100 tấn. Tùy theo địa bàn, giá vải được thu mua khác nhau dao động từ 10.000-35.000 đồng/kg. Cao nhất vẫn là vải ở Lục Ngạn, với giá thu mua dao động từ 25.000-35.000 đồng/ kg; vải Tân Yên có giá khoảng 20.000-25.000 đồng/kg. Vải ở các huyện Lạng Giang, Yên Thế, Lục Nam giá mềm hơn, khoảng 10.000-22.000 đồng/kg tùy sản phẩm.Anh Nguyễn Văn Dương, chủ vườn vải xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn cho biết: "Năm nay vải vừa được mùa lại được cả giá. Vải của tôi xuất bán buôn là 28.000-30.000 đồng/ kg, nhỉnh hơn từ 3.000-4.000 đồng/kg so với năm ngoái". Một thương lái cho hay, vải thiều chín sớm chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường nội địa, chỉ một lượng nhỏ được xuất khẩu sang TQ.

Tại vùng vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), yếu tố thời tiết thuận lợi cùng với sự chăm sóc cẩn thận của người dân nên vụ vải sớm ở đây cũng thu nhiều kết quả khả quan. "Vụ vải trước tôi thu lãi hơn 60 triệu đồng._ Năm nay, vải sớm đậu quả đạt 75 - 80%. Giá vải năm nay cao hơn hẳn năm ngoái, giá bán tại vườn trung bình khoảng 28.000 đồng/kg, có nơi bán được giá 31.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với thời điểm này năm trước", chị Nguyễn Thị Phương, thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà cho biết.

Tìm cách giảm lệ thuộc

Ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cho biết, vào vụ chăm sóc vải, UBND tỉnh Hải Dương quyết định cấp 945 triệu đồng hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón Neb 26 cho người dân ở 25 xã, thị trấn để kịp thời chăm sóc cho 500 ha vải và 500 triệu hỗ trợ xây dựng bãi đỗ xe thu mua vải ở Thanh Hà. Hiện toàn huyện Thanh Hà có 3 bãi đỗ xe ở 3 xã Thanh Bính, Thanh Thủy, Thanh Xá để phục vụ cho mùa thu hoạch vải năm 2014. Đồng thời, để thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, năm nay huyện lập riêng trang web giới thiệu về vải Thanh Hà.

Sở Công Thương Bắc Giang dự báo, năm nay 60% sản lượng vải thiều (tương đương 84.000 tấn) sẽ được tiêu thụ tại thị trường nội địa, số còn lại được xuất khẩu sang các thị trường: TQ, Campuchia, Lào và châu Âu… trong đó, thị trường TQ chiếm 95%.

Ông Nguyễn Thọ Khang, đầu mối thu mua vải tại Lục Ngạn cho biết, tôi thường xuất hàng sang TQ qua cửa khẩu Tân Thanh. Tầm này năm ngoái, thương lái TQ sang mua hàng nhiều hơn.

Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm Xúc tiến thương mại Bắc Giang được giao nhiệm vụ cập nhật giá hằng ngày tại một số chợ đầu mối nông sản trong nước, các cửa khẩu và những vùng trồng vải trọng điểm trong tỉnh trên website bacgiangintrade.gov. vn, san24h.vn. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tránh tình trạng ép cấp, ép giá, cân gian lận…

UBND huyện Lục Ngạn thành lập ban chỉ đạo, đồng thời trích 500 triệu đồng từ ngân sách huyện phục vụ các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ vải thiều. Bên cạnh các đơn hàng thu mua quả vải tươi từ các thị trường truyền thống, năm nay vải thiều Lục Ngạn sẽ có các hợp đồng tiêu thụ lớn hơn từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Campuchia…
 

Theo Thời báo Kinh doanh