|
|
Cảnh sát hình sự trấn áp một nghi phạm đe dọa chặt chân con nợ để đòi nợ - Ảnh: Đức Tiến |
Nhằm giải thích rõ hơn về văn bản vừa gửi Bộ Tài chính đề nghị trình Chính phủ cấm loại hình Kinh doanh đòi nợ, tại buổi họp báo chiều 1/10, đại diện các đơn vị chức năng liên quan của UBND TPHCM đã có trao đổi thẳng thắn với báo giới.
Theo Trung tá Nguyễn Quang Thắng - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM, mặc dù Nghị định 104/NĐ-CP điều chỉnh loại hình kinh doanh Dịch vụ đòi nợ ban hành ngày 14/6/2007. Tuy nhiên, qua thực tế áp dụng đã có nhiều phức tạp nảy sinh. Căn cứ vào đó, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi đã “luồn lách” thêm, thực hiện các hoạt động “khủng bố” người đi vay. Cơ quan công an TPHCM tuy có rà soát, theo dõi các hoạt động này nhưng việc ngăn chặn “tận gốc” loại hành vi ấy không hề dễ dàng.
“Dù có thể xử lý cả hành chính lẫn hình sự những người có hành vi ‘khủng bố’ hay ‘bạo lực’ khi đòi nợ nhưng để ‘răn đe’ được đối tượng chủ mưu thực sự lại khá khó khăn vì họ thường núp bóng người khác”, ông Thắng cho hay.
Người thay mặt Công an TPHCM cũng cho biết hiện cơ quan an ninh đã lên danh sách theo dõi 5 băng nhóm với 137 doanh nghiệp cầm đồ có nhiều dấu hiệu nghi vấn liên quan tới hoạt động cho thuê, cho vay “chợ đen”, sau đó sử dụng hình thức đòi nợ “khủng bố” với người đi vay.
Thông tin thêm về hoạt động đòi nợ trên địa bàn, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết tới cuối năm 2017, TPHCM có tất cả 65 doanh nghiệp đăng ký làm dịch vụ đòi nợ thuê với tổng vốn điều lệ là 374 tỷ đồng.
Trong đó chỉ một đơn vị có mức vốn 200 tỷ đồng - được cho là doanh nghiệp không đơn thuần làm dịch vụ đòi nợ thuê mà còn kinh doanh mua bán nợ “bài bản”.
Số doanh nghiệp còn lại hoạt động không “ngon lành” gì khi chỉ thực sự có 44 doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp chứng nhận kinh doanh hoạt động đòi nợ thuê. Tuy nhiên, 12 doanh nghiệp trong số trên đã nộp lại giấy chứng nhận vì làm ăn không hiệu quả; 4 doanh nghiệp nữa có văn bản xin tạm ngưng hoạt động để “sắp xếp lại nội bộ”; 28 doanh nghiệp còn đang kinh doanh nhưng phần lớn đến từ các tỉnh thành khác.
Cũng theo nhận định của TPHCM, hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê hiện đang có ba khuyết tật lớn cần chấn chỉnh. Trước tiên là chưa có hướng dẫn pháp lý nào về địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp làm dịch vụ đòi nợ thuê. Do đó nhiều doanh nghiệp của các tỉnh thành khác nhau đang thực hiện hoạt động đòi nợ thuê đều có văn phòng đại diện tại TPHCM với lực lượng lao động chủ yếu từ các tỉnh thành khác (2/3 số lao động làm việc tại các doanh nghiệp này có hộ khẩu ngoài TPHCM). Ranh giới làm đúng pháp luật và vi phạm pháp luật trong hoạt động là rất mong manh. Trong đó, có hành vi đe dọa, sử dụng những hình thức đòi nợ gây hoang mang tinh thần cho người đi vay, có khi còn gây áp lực xã hội cho khu vực dân cư lân cận khi sử dụng lực lượng đông người để “làm dữ” với “con nợ”.
Tất nhiên, muốn điều chỉnh một Nghị định ra đời từ hơn chục năm qua cần phải có thời gian đánh giá tổng kết tác động trên nhiều khía cạnh, từ nhiều cơ quan chức năng, chứ không thể chỉ dựa vào ý kiến của riêng TPHCM. Có lẽ hiểu được điều này nên trong kiến nghị “cấm hoạt động đòi nợ thuê”, TPHCM cũng đồng thời đề xuất các cơ quan thi hành pháp luật cùng phối hợp đưa ra những quy định về ranh giới hành xử trong dịch vụ đòi nợ, để những hoạt động kinh doanh này vẫn phát huy được tác động tích cực nhưng đồng thời phải bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người đi vay.
“Theo quan điểm của TPHCM, cho vay - đi vay là quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự thông thường. Khi một trong hai bên vi phạm thì nên để tòa án phân xử như các nước khác. Các bên tranh chấp tuyệt đối tôn trọng và thực thi phán quyết cuối cùng của tòa”, người đại diện UBND TPHCM nhấn mạnh.
Chinhphu.vn