Đúng lúc áp thuế môi trường thì giá thế giới tăng mạnh. Liệu Bộ Công thương và Bộ Tài chính có dám quyết tăng mạnh giá xăng lên 3.000 đồng/lít hay không?

 


Nhưng phải nói rằng, đang xảy ra một tình huống khó cho nhà điều hành ở đây! Đầu tháng 3, khi thay mặt Chính phủ trình Quốc hội về phương án tăng thuế bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã quả quyết: "Việc tăng thuế bảo vệ môi trường không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước".

Thậm chí, Bộ trưởng còn cho rằng, người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm vì việc tăng thuế này chỉ nhằm bù đắp một phần giảm thu ngân sách ( giảm 28.200 tỷ đồng) do cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Kể cả khi tăng thuế, giá trong nước vẫn thấp hơn giá xăng dầu ở Lào, Campuchia, Trung Quốc.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, tiếp tục tái khẳng đinh "không làm thay đổi giá" tại cuộc họp báo cuối tháng 4 của Bộ Tài chính về vấn đề này.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, ông Võ Văn Quyền cũng lên tiếng đồng điệu "không làm tăng giá" tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ mình.

Không vị quan chức nào nhắc đến giá thế giới - một yếu tố hiển nhiên nhất quyết định sự tăng hay giảm của giá bán lẻ trong nước.

Các phương án tăng thuế chỉ tính đến kịch bản giá thế giới giảm, duy trì ở mức thấp, mà không hề đả động đến kịch bản giá thế giới tăng và leo thang liên tục.

Trong khi đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu sau 3 tháng sử dụng giờ rất cạn kiệt. Nếu Bộ Tài chính yêu cầu trích Quỹ "âm" tới 3.000 đồng/lít cho xăng, thì nghĩa là, các doanh nghiệp sẽ phải chịu lãi vay ngân hàng và ai sẽ là người trả khoản lãi này thì chưa rõ?

Rốt cục, giá xăng dầu trong nước vẫn chực chờ tăng! Và nếu tăng, giá của Việt Nam sẽ cao hơn giá xăng Trung Quốc khoảng hơn 857 đồng/lít.
 

Theo Vietnamnet

.