(BVPL) - Bộ Công thương cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2017 được cải thiện dần, tháng sau cao hơn tháng trước, tuy nhiên mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

 


Sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng gần bằng so với mức tăng cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của nhóm ngành này trong 5 tháng năm 2017 đã tăng 9,7%, gần bằng mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2016 so với năm 2015. Đây là nhóm đóng vai trò quan trọng, duy trì tốc độ tăng trưởng toàn ngành, đặc biệt là trong bối cảnh nhóm khai khoáng giảm mạnh.

Về chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) 5 tháng đầu năm 2017 tăng 5,7%, đây là mức tăng thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 (5 tháng 2016 tăng 7,4%). Đáng nói, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại tăng cao với mức 36,2%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10,7%; dệt tăng 10,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng10,1%…

Cũng theo Bộ Công thương, chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng 2017 tăng 8,1% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất đồ uống tăng 9%; kim loại tăng 12,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 16,4%;… Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 2,8%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 0,6%; dệt tăng 0,6%;…

Dù chỉ số tồn kho của một số ngành giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 43,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 16,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 5,6%... Tuy nhiên, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01 tháng 5 năm 2017, tăng 11% so với cùng thời điểm năm 2016, cao hơn so với mức tồn kho 8,7% của cùng kỳ năm ngoái. Nhiều ngành hàng có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 40,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 69,8%... đặc biệt sản xuất kim loại tăng 82,4%;

Với những số liệu trên, Bộ Công thương nhận định, tình hình sản xuất công nghiệp trong thời gian tới dự báo sẽ khả quan hơn. Lý do được đưa ra đó là: Sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng dần đi vào ổn định, tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu cải thiện (IIP 5 tháng đầu năm 2017 tăng cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với 4T/2017; cao hơn 1,6 điểm phần trăm so với 3 tháng năm 2017); Nhập khẩu của nhóm các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu là đầu vào cho sản xuất công nghiệp trong nước tăng cao, tăng trên 25,7% là cơ sở để gia tăng sản xuất trong những tháng tới; Đầu tư nhà nước trong lĩnh vực chế biến chế tạo tăng trưởng cao nhất. Không chỉ vậy, các nhóm hàng dệt may, da giày…có đơn hàng ổn định đến tháng 9, một số doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng đến cuối năm, nhu cầu khách hàng vẫn tăng góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển…

Và Bộ Công thương nhận định, với những yếu tố trên, khả năng chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp năm 2017 tăng khoảng 8%.
 

T. Dịu

.