Hồi 11h ngày 4/9, Đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu chủ trì phối hợp với Đội QLTT số 1, số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị N., trú tại bản Tân Hợp, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phát hiện hàng hoá là thực phẩm gồm hơn 1.400 bánh trung thu, bánh mềm, bánh bông lan các loại; 390 chai sữa chua trái cây và sữa lạc; 1470 gói chân gà với tổng giá trị niêm yết trên bao bì sản phẩm gần 20 triệu đồng.

leftcenterrightdel
 Tổ công tác kiểm tra tại cơ sở kinh doanh Nguyễn Thị N.

Toàn bộ số hàng hoá trên có nhãn hàng hoá ghi chữ nước ngoài, tuy nhiên chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá, một số sản phẩm trong số hàng hoá nói trên đã bị rách vỏ, ẩm, mốc trắng có biểu hiện hư hỏng…

Chủ cơ sở cho biết số hàng hoá trên được mua trôi nổi trên thị trường để bán cho người dân dịp Tết Trung thu.

leftcenterrightdel
Tổ công tác tiến hành tiêu huỷ số hàng hoá không rõ nguồn gốc.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ tang vật và xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở kinh doanh Nguyễn Thị N. với số tiền là 10 triệu đồng theo quy định tại điểm d, khoản 1 và điểm c, khoản 2 Điều 15, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020; buộc tiêu huỷ toàn bộ số thực phẩm, hàng hoá vi phạm tránh gây hại cho sức khoẻ con người.

Theo các chuyên gia về thực phẩm, bánh trung thu và các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. Thông thường giá thành những sản phẩm này rất rẻ, tuy nhiên khó bán ở khu vực có dân trí cao vì khách hàng kỹ tính, thận trọng, vì vậy các thương buôn thường nhập về để bán cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa để kiếm lời.

Phan Hải