(BVPL) - Trong khoảng 2 thập kỷ qua, ngành khoáng sản Việt Nam đã tăng trưởng chóng mặt về quy mô. Theo đánh giá quốc tế, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt và 3 triệu tấn apatit và nhiều loại khoáng sản khác với sản lượng lớn... Với quy mô khai thác này, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần. Theo tính toán của Tổng hội địa chất, số năm khai thác còn lại của dầu khí là 56 năm, barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì và kẽm là 17 năm và vàng là 21 năm.
 


Song điều đáng nói là được khai thác với quy mô lớn nhưng đóng góp cho ngân sách từ khoáng sản lại rất hạn chế. Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt từ 0,9 đến 1,1% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011-2013. Ở một số địa phương như Phú Yên, số thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản chỉ đạt từ 4-5 tỷ đồng dù lượng giấy phép khai thác còn hiệu lực lên đến 200 giấy phép. Số thu này không đủ bù đắp các chi phí quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản. Trong khi đó, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản lại đánh giá mức thuế suất hiện nay đối với khoáng sản lại cao so với thế giới.

Khai thác khoáng sản là một ngành có rủi ro thu ngân sách cao, chủ yếu do khai thác trái phép và xuất khẩu trái phép, quản lý thuế không hiệu quả. Năm 2012, Bộ Tài nguyên Môi trường đã kiểm tra 957 giấy phép khoáng sản do địa phương cấp thì có tới 50% giấy phép được cấp không đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa có cơ chế giám sát hiệu quả sản lượng thực tế khai thác của doanh nghiệp, dẫn đến thất thu ngân sách và thất thoát tài nguyên quốc gia.


Để quản lý có hiệu quả, trên thế giới đã có nhiều biện pháp như sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác (EITI). Việt Nam đã tiếp cận EITI từ 2006 và Bộ Công thương là cơ quan được giao chủ trì xem xét thực thi sáng kiến này. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, Việt Nam hiện vẫn chưa cam kết thực thi sáng kiến này.

Và trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vấn đề thu thuế đối với khoáng sản để tránh thất thu ngân sách cũng được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm đề nghị sửa đổi một số Luật thuế có liên quan.

Theo đại biểu Đặng Thế Vinh, đoàn Hậu Giang, ông đồng tình với chủ trương là cần phải hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên khoáng sản dưới dạng thô và khuyến khích chế biến sâu ở trong nước. Theo quy định của dự thảo luật, đại biểu đề nghị làm rõ căn cứ xác định sản phẩm hàng hóa mà tổng giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên, tới đây sẽ xác định như thế nào? Mỗi loại tài nguyên khoáng sản có quy trình khai thác, sản xuất, chế biến, các tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật khác nhau. Cùng một loại tài nguyên khoáng sản nhưng ở những mỏ khác nhau thì điều kiện khai thác trữ lượng, hàm lượng khác nhau, chi phí sản xuất, chế biến khác nhau thì giá thành sản phẩm cũng khác nhau. Trong cùng một mỏ thì điều kiện khai thác, chi phí sản xuất chế biến cũng có thể thay đổi. Ngoài ra, chi phí đầu tư trước khi mỏ đi vào khai thác thương mại và chi phí trong trường hợp đã bỏ ra nhưng mỏ không khai thác thương mại được thì có được đề cập, tính toán đến không? Việc làm rõ những vấn đề này nhằm đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện thực hiện tốt quy định này trong thực tế.

Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Dũng, đoàn Bắc Giang, đối với nội dung sửa đổi, bổ sung, một là tại Điều 1, Khoản 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế có nêu sửa đổi, bổ sung Khoản 23, Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 1, Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 như sau, Khoản 23: sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản chưa qua chế biến thành sản phẩm khác và sản phẩm nguyên liệu xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành trở lên. Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung như trên thì các sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên khoáng cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành trở lên sẽ không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, giống như sản phẩm xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô chưa qua chế biến là không hợp lý.

Đại biểu phân tích, trên thực tế, sản xuất có rất nhiều sản phẩm hàng hóa chế biến từ nguyên liệu khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% - 80% là những sản phẩm chế biến rất sâu, thậm chí đã đến sản phẩm hàng hóa cuối cùng cho người tiêu dùng… Theo dự thảo luật quy định gộp tất cả các sản phẩm trên vào đối tượng như xuất khẩu khoáng sản thô là không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm đã qua chế biến sâu với sản phẩm cùng loại của thế giới và có thể không xuất khẩu được sản phẩm nữa dẫn tới giảm công suất các nhà máy, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa Khoản 23 như sau: Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản chưa qua chế biến thành sản phẩm khác và sản phẩm nguyên liệu xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 81% giá thành trở lên.
 

H. Trâm

.