Thực trạng thu hoạch quả lúc còn non rồi dùng hóa chất để thúc chín đã diễn ra từ lâu, nhưng đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm cách quản lý. Trong khi đó, Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, tất cả các loại thuốc thúc chín đang được người dân sử dụng là ngoài luồng.
Không cần lén lút
Tình trạng sử dụng các loại thuốc thúc quả chín (làm chín nhanh) hiện tràn lan khắp nơi. Từ năm 2008, báo An ninh Thủ đô đã có bài viết phản ánh về tình trạng người dân ở khu vực Hoài Đức, Đan Phượng dùng một loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để thúc chín chuối, đu đủ. Thời điểm ấy, tình trạng mua bán loại thuốc thúc chín quả cũng khó khăn, người bán thậm thụt, người mua lén lút. Người lạ mặt vào làng, ngụy trang khéo lắm mới dò hỏi mua được loại thuốc này. Nhưng đến nay, tình trạng này diễn ra gần như công khai…. Theo ghi nhận, tại khu vực Đan Phượng, Hoài Đức hiện nay nông dân vẫn sử dụng một loại thuốc có tên Ethrel để dấm chín chuối và đu đủ. Đây chính là vựa chuối và đu đủ cung cấp một lượng lớn cho thị trường Hà Nội.
Thực trạng này diễn ra phổ biến khiến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã phải lên tiếng. “Tôi được nghe nhiều chuyện về việc, nông dân sử dụng một loại thuốc để thúc chín ép các loại trái cây như sầu riêng, mít, hồng xiêm… Thương lái thu mua cả vườn, gồm cả quả chín và non. Sau đó, họ dùng hóa chất để thúc chín đồng loạt nên rất đẹp mã. Điều này rất nguy hiểm, không những làm giảm chất lượng nông sản Việt Nam mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP vì không biết họ sử dụng hóa chất gì, lưu lượng ra sao”.
Vì có sẵn các loại thuốc thúc chín tố nên các thương lái hiện đều thu mua trái cây còn non, mua cả vườn, cả cây. Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng cục Trồng trọt lý giải, thu hái lúc trái còn non (đầu vụ) sẽ được lời cao hơn. “Thu mua lúc quả còn non thì rõ ràng phải dùng thuốc để thúc chín. Hậu quả là trái cây bên ngoài chín vàng, đẹp mắt, nhưng ăn thì lại nhạt nhẽo”.
Bỏ lửng quản lý
Về thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV nhìn nhận, tại những vùng chuyên canh, trồng trái cây với quy mô lớn rất khó để thu hoạch theo hình thức chờ trái chín đồng loạt. “Hoa quả không chín đồng loạt, hơn nữa, khi trái chín cây cũng rất khó bảo quản, vận chuyển đi xa. Vì vậy, bà con thường thu hái cả vườn, gồm cả quả to, quả nhỏ rồi ủ chín”.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, trước kia, bà con thường làm chín bằng cách ủ hương hoặc đất đèn. Còn hiện nay, bà con lại sử dụng thúc chín tố. Các loại thuốc thúc chín thuộc nhóm “điều hòa sinh trưởng”, gốc Ethephon, có tên gọi thương mại là Ethrel. “Chúng tôi đã thử phân tích thúc chín tố thì đây là Ethephon 28%, khi hòa dung dịch thì sinh ra Etylen, giống như một hormone thực vật làm trái cây chín và có mùi thơm”, ông Nguyễn Xuân Hồng cho hay. Hiện nay, hầu hết các nước xuất khẩu nông sản lớn đều không xuất hoa quả chín cây, mà được thu mua dưới dạng quả xanh, sau đó dùng hóa chất để xử lý chín.
Tại Việt Nam, trong danh mục các thuốc BVTV được phép sử dụng cũng có nhóm thuốc điều hòa sinh trưởng (kích thích, thúc chín tố) nhưng đến nay, chưa có doanh nghiệp nào đăng ký nhập khẩu. Vì vậy, tất cả các hóa chất điều hòa sinh trưởng mà người dân đang sử dụng là thuốc ngoài luồng, phần lớn được nhập từ Trung Quốc có tên “kích thích tố”, chín trái cây.
Tại sao người dân sử dụng đã nhiều năm nay loại thuốc ngoài luồng này mà cơ quan quản lý, đứng đầu là Cục BVTV vẫn chưa có câu trả lời cho người tiêu dùng về độ an toàn cũng như khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe? Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, vì chưa có doanh nghiệp nào đăng ký nhập khẩu, nên cơ quan chức năng cũng chưa tổ chức khảo nghiệm, đánh giá. Không nhập khẩu chính thức, nhưng thị trường lại tràn lan loại thuốc ngoài luồng, vẫn được người dân sử dụng để làm chín hoa quả!
Trong khi đó, theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, hoạt chất Ethrel trong “thúc chín tố” cũng có trong đất đèn song nếu dùng ở dạng lỏng để bôi hoặc ngâm tẩm hoa quả thì rất độc hại. Ethrel bà con hay gọi “thúc chín tố”- một hợp chất hữu cơ do nhiều xí nghiệp khác nhau ở Trung Quốc sản xuất. Loại mà người dân ở nước ta đang sử dụng là nhập lậu, được đóng trong lọ 5ml và không được phép sử dụng. Đây là một chất có tính acid và dễ bị ôxy hóa khi để ngoài không khí.
Theo An ninh Thủ đô