(BVPL) - “Thị trường lao động trên cả nước có nhiều biến động nhưng nhìn chung việc làm có xu hướng tăng qua các năm. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động qua đào tạo tăng nhanh về số lượng, tuy nhiên chưa đồng bộ với nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhu cầu nhân lực chất lượng cao giữa doanh nghiệp và xã hội, nghịch lý về sự chênh lệch cung - cầu, mất cân đối giữa các ngành nghề vẫn đang diễn ra.” - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn khẳng định.

 


Theo số liệu của trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM khảo sát tại 49 trường THPT trên địa bàn toàn thành phố cho thấy, sự mong muốn học Đại học chiếm tỷ lệ cao nhất, vượt xa so với nhu cầu học bậc cao đẳng và trung cấp. Tỷ lệ học sinh có nhu cầu chọn nhóm ngành Kinh tế - Tài chính tăng thì nhóm ngành Kỹ thuật Công nghệ lại có xu hướng giảm. Các khối ngành nghề khác, học sinh có xu hướng giảm nhu cầu chọn học như khối ngành: Nghệ thuật – Thể dục thể thao, Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Ngư nghiệp.

Trong khi đó, theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020 cơ cấu kinh tế của nước ta sẽ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, kế là ngành công nghiệp – xây dựng, ngành nông nghiệp – lâm nghiệp – ngư nghiệp. Trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2035 của Chính Phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển gồm: Công nghiệp chế biến - chế tạo, ngành Điện tử và viễn thông, Năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đồng thời, chiến lược cũng định hướng quy hoạch không gian theo các vùng lãnh thổ bao gồm vùng công nghiệp lõi và vùng công nghiệp đệm, trong đó các địa phương thuộc vùng lõi gồm 4 vùng kinh tế trọng điểm và 5 khu kinh tế biển được ưu tiên phát triển. Tâm lý ngành nghề của nhân sự đối nghịch với xu hướng phát triển trên thì thực trạng chỗ thừa, chỗ thiếu nhân lực cũng là điều dễ hiểu. Và quả đúng như vậy, thời gian qua, thực trạng thị trường lao động diễn ra vừa thừa vừa thiếu trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất – kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao nhưng nhiều sinh viên khi ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt là phần kỹ năng. Đồng thời, một số ngành nghề cũng đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng, sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp, làm việc chưa ổn định.  

Ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm, nói riêng về nguồn nhân lực Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam, cơ cấu đào tạo trình độ và lĩnh vực đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực. Tính tổng thể, quy mô đào tạo công nhân kỹ thuật và trung cấp chuyên nghiệp chưa phù hợp so với yêu cầu trong khi quy mô đào tạo sinh viên trình độ cao đẳng và đại học nhiều và đang có xu hướng tăng. Nội dung đào tạo của đa số các cơ sở đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phát triển thị trường lao động và mức độ phát triển của khoa học công nghệ.

Giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM cần 270.000 người/năm, ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cho 09 ngành dịch vụ, 04 ngành công nghiệp chủ lực (Cơ khí chế tạo chính xác và tự động hoá; Điện tử và Công nghệ thông tin; Chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; Hoá chất – Hoá dược và mỹ phẩm). Năm 2017 và những năm sắp tới do nền kinh tế phát triển, thị trường lao động Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhu cầu nhân lực về số lượng và yêu cầu cao về chất lượng trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp sẽ tăng nhu cầu, thường xuyên tuyển lao động bao gồm: quản lý, chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông để đào tạo gắn bố trí việc làm. Các doanh nghiệp sẽ phát triển năng động, tăng quy mô, quan tâm đến chính sách phát triển nhân lực. Do đó, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, có 3 vấn đề thách thức của nguồn nhân lực cần quan tâm nhất trong thời gian tới là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm).
 

Hoa Việt

.