Gần đây, một số thông tin cho rằng bánh kẹo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt của hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia... Song thực tế, thị trường bánh kẹo mang thương hiệu Việt vẫn chiếm đa số.

 


Khảo sát tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh bánh kẹo ở các địa phương trong tỉnh, bánh kẹo Việt chiếm trên 90%. Còn tại một số siêu thị, bánh kẹo nhập khẩu nhiều nhất cũng chỉ chiếm tỷ lệ 20%. Và khách mua bánh kẹo nhập khẩu cũng không nhiều.

Mua hàng Việt nhiều hơn

Nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh bánh kẹo tại TP.Biên Hòa và các huyện, thị nhận xét, nói bánh kẹo Việt đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của bánh kẹo nhập khẩu là không đúng. Vì hiện nay, bánh kẹo sản xuất trong nước đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã và sản phẩm chia thành 3 phân khúc gồm: hàng cao cấp, trung bình và giá rẻ giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn. Mẫu mã các sản phẩm bánh kẹo từ cao cấp đến giá rẻ đều được làm khá đẹp mắt, trong đó có những thương hiệu bánh kẹo lớn được người tiêu dùng chọn mua nhiều là: Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Phạm Nguyên, Hải Châu, Hữu Nghị, Vinamit...

Bà Trần Thị Mỹ Châu, chủ đại lý kinh doanh bánh kẹo ở ấp 1, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Tôi bán bánh kẹo khá chạy vì khu vực này đông công nhân. Nhưng hàng của tôi lấy về bán hầu hết là bánh kẹo sản xuất trong nước, trong đó các sản phẩm của Bibica, Kinh Đô chiếm đến 70%, còn lại là các thương hiệu Việt khác. Trước đây, tôi có bán hàng bánh kẹo của Trung Quốc, gần 2 năm nay đã ngưng bán do không có người mua. Gần đây, công nhân mua hàng coi rất kỹ nơi sản xuất, hạn sử dụng, hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc là không mua”.

Chị Lê Thị Mai, ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) nói: “Tôi đã mua và ăn thử một số loại bánh kẹo nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia thấy chất lượng cũng tương đương với các sản phẩm bánh kẹo cùng loại trong nước sản xuất, song so về giá cả hàng Việt Nam rẻ hơn, chỉ bằng 1/2 hoặc 2/3 giá bánh kẹo nhập khẩu. Do đó, sau này tôi chỉ mua bánh kẹo sản xuất trong nước”.

Không dễ bị “thâu tóm”

Không ít người đặt ra câu hỏi, cuối năm 2015 Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, lúc đó hàng hóa trong khối sẽ lưu thông tự do. Đây là cơ hội cho nhiều mặt hàng, trong đó có bánh kẹo từ các nước tràn vào Việt Nam. Tới đây, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết, hàng hóa của Hàn Quốc cũng sẽ tràn ngập Việt Nam.

“Siêu thị có nhập khẩu một số mặt hàng bánh kẹo từ Hàn Quốc, Thái Lan nhưng khách mua chủ yếu là người nước ngoài, số lượng không nhiều. Do đó, nói bánh kẹo nhập khẩu lấn sân hàng Việt là không chính xác, vì trên 80% bánh kẹo bày bán trong siêu thị là hàng Việt Nam” - ông Lê Văn Duy, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart, quốc lộ 1, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) khẳng định. Cũng theo ông Duy, bánh kẹo sản xuất trong nước khá đa dạng, chưa kể các loại bánh kẹo đặc sản của từng vùng trong cả nước hiện cũng được nhiều cơ sở, doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất bài bản và siêu thị có nhập hàng về bán, như: kẹo dừa Bến Tre, bánh đậu xanh Hải Dương, bánh cốm Hà Nội...

Chị Nguyễn Thị Thơm ở KP.1 phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) nói: “Tôi hay đi siêu thị và để ý thấy người nước ngoài mua hàng thường tìm đến những quầy có bán hàng nước họ để mua, dù giá mắc gấp 2-3 lần hàng Việt. Vậy thì mình là người Việt sao lại không ưu tiên chọn hàng Việt để sử dụng? Theo tôi, chọn và sử dụng hàng Việt cũng là cách thể hiện lòng yêu nước”.

Khảo sát tại các siêu thị, trung tâm mua sắm khác, như: Co.opMart, VinatexMart, BigC...bánh kẹo mang thương hiệu Việt vẫn chiếm đa số. Riêng tại Trung tâm Metro (TP.Biên Hòa), gần đây sản phẩm bánh kẹo từ Thái Lan, Malaysia về khá nhiều. So về giá, hàng Việt Nam vẫn có ưu thế hơn hẳn là giá rẻ, mẫu mã tương đối đẹp.

 

Theo Báo Đồng Nai

.