Thị trường bán lẻ và cuộc cạnh tranh không cân sức
Cập nhật lúc 00:30, Chủ nhật, 15/11/2015 (GMT+7)
Thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục xuất hiện các nhà bán lẻ ngoại mới và các đại gia bán lẻ ngoại tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy, nếu không sớm liên kết lại với nhau, thay đổi tư duy kinh doanh thì chắc chắn hệ thống phân phối hàng hóa trong nước sẽ bị suy yếu. (Thị trường, bán lẻ, cạnh tranh)
(BVPL) - Thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục xuất hiện các nhà bán lẻ ngoại mới và các đại gia bán lẻ ngoại tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy, nếu không sớm liên kết lại với nhau, thay đổi tư duy kinh doanh thì chắc chắn hệ thống phân phối hàng hóa trong nước sẽ bị suy yếu.
Lotte Mart, E-mart hay Aeon là những cái tên bán lẻ nước ngoài đang dần quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Và sắp tới, tập đoàn bán lẻ AuchanSuper (Pháp) sẽ mở hai siêu thị trong năm 2016, mở thêm 15 siêu thị nữa tại TP. Hồ Chí Minh, với tổng số vốn đầu tư từ 35 – 40 triệu euro. Chưa kể, tập đoàn Seven & I Holdings của Nhật Bản sẽ mở cửa hàng tiện lợi 7- Eleven đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017. Đây thực sự là thách thức đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng: Sự cạnh tranh này phải nói là không cân sức. Vì đối với doanh nghiệp nước ngoài, họ có ưu thế về vốn, chi phí vốn thấp, có chiến lược kinh doanh, chuyên nghiệp trong phục vụ.
Đối với người tiêu dùng, các siêu thị, cửa hàng tiện ích đến từ nước ngoài cũng đang tạo sức hấp dẫn. Bởi theo họ, siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài có những lợi thế mà siêu thị trong nước không có được. Một người tiêu dùng cho biết: “Mình rất hay đi mua sắm nhưng chỉ đến những siêu thị nước ngoài ở Việt Nam. Bởi vì ở đây họ có diện tích rộng hơn, nguồn hàng phong phú hơn, chất lượng dịch vụ cũng tốt hơn”.
Sự chênh nhau về tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực và nay là khách hàng tiêu dùng, đã khiến cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước có những khó khăn nhất định. Một số nhà bán lẻ trong nước sau khi nhìn thấy những khó khăn này đã bán cổ phần hoặc toàn bộ hệ thống kinh doanh cho doanh nghiệp ngoại. Đơn cử, hệ thống siêu thị Citimart và Fivimart quen thuộc của người tiêu dùng hai miền Nam, Bắc giờ đây được gắn thêm thương hiệu bán lẻ Aeon của Nhật Bản. Các nhà bán lẻ nước ngoài đến Việt Nam đều là những tên tuổi lớn, giàu kinh nghiệm, được đánh giá là vượt trội so với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa về mọi mặt. Do đó, liên kết lại với nhau để lớn mạnh là điều các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần làm lúc này.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng –Hệ thống siêu thị Saigon.Coop TP. Hồ Chí Minh: “Khi doanh nghiệp mua được những doanh nghiệp bán lẻ nội thì họ lại càng có được những thị trường mở rộng hơn, sẵn có. Điều này đặt dấu hỏi để nhiều nhà sản xuất Việt Nam cũng phải cân nhắc, phải có sự quan sát nhiều hơn, đặc biệt là chúng ta cần mạnh dạn đầu tư thay đổi lại những công nghệ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong thời gian tới”.
Hiện nay, điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài là mảng phân phối còn thấp (chiếm chưa đến 25% tổng thị trường bán lẻ). Do đó, để phát triển và chiếm ưu thế như trước đây, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần liên kết lại với nhau hoặc gắn thêm thương hiệu bán lẻ nước ngoài như một số doanh nghiệp đã làm.
Nguyên Khoa
.