Thẻ tiêu dùng nào thông minh hơn?
Cập nhật lúc 15:46, Thứ tư, 15/05/2013 (GMT+7)
Thẻ tiêu dùng thông minh (smartcard) đang tạo thêm một xu hướng tiêu dùng mới. Các nhà cung cấp cạnh tranh mở rộng mạng lưới thương hiệu, tích hợp cho thẻ nhiều dịch vụ ưu đãi, khuyến mãi giảm giá và tích luỹ điểm nhằm thu hút cộng đồng. Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Thẻ tiêu dùng thông minh (smartcard) đang tạo thêm một xu hướng tiêu dùng mới. Các nhà cung cấp cạnh tranh mở rộng mạng lưới thương hiệu, tích hợp cho thẻ nhiều dịch vụ ưu đãi, khuyến mãi giảm giá và tích luỹ điểm nhằm thu hút cộng đồng.
Chọn phân khúc phù hợp
Dịch vụ thẻ này phát triển trên cơ sở thu hút lòng trung thành của khách hàng theo xu thế tiêu dùng hiện đại: chi tiêu càng cao quyền lợi càng lớn. Tính đa tiện ích, cá nhân hoá và mạng lưới là các yếu tố khẳng định giá trị của thẻ. Nổi bật trên thị trường là thẻ LinkCard do công ty TopLink phát hành, nhắm đến các dịch vụ cao cấp với mạng lưới hơn 300 thương hiệu nổi tiếng. Đối tượng của LinkCard là người có thu nhập cao và thường xuyên sử dụng, nhờ thế dễ dàng tung ra các ưu đãi có giá trị cao. LinkCard kết hợp các chương trình giảm giá trực tiếp, tích luỹ điểm và chiết khấu 1 – 5%, tuy nhiên các thành viên chỉ có thể sử dụng điểm tích luỹ để quy đổi của tháng này vào tháng sau.
Cả YesCard, LingoCard và SmilesCard đều nhắm đến phân khúc rộng thu nhập từ trung bình. Trong đó LingoCard (tập đoàn VMG) và SmilesCard (công ty Customer Smile) đều áp dụng chương trình tích luỹ và quy đổi điểm kết hợp ưu đãi từ các thương hiệu bán lẻ trong hệ thống. Cả hai đều cho phép khách hàng dùng điểm tích luỹ được quy đổi thanh toán tại bất kỳ nhà bán lẻ nào trong hệ thống và bất kỳ thời điểm nào tuỳ nhu cầu, phát huy được tính linh hoạt cho các thành viên.
Cùng phân khúc khách hàng trung bình nhưng SmilesCard tập trung vào đối tượng nhân viên văn phòng, mức phần trăm ưu đãi tích luỹ chỉ từ 1,5 – 15% nhưng SmilesCard dựa vào lợi thế mạng lưới với các thương hiệu bán khá phổ biến. YesCard do Smart World khai thác chọn phương thức giảm giá trực tiếp 10 – 50% trên sản phẩm dịch vụ tại nhà bán lẻ. Với mức ưu đãi này, YesCard thu hút lượng lớn khách hàng từ nhiều phân khúc, tuy nhiên đến nay hệ thống nhà bán lẻ YesCard chưa quy tụ được nhiều thương hiệu lớn. LingoCard cũng dựa vào lợi thế phần trăm ưu đãi tích luỹ từ 10 – 50% nhưng có hệ thống các nhà bán lẻ đa dạng hơn với gần 150 thương hiệu.
Phân biệt phí và dịch vụ
Phí dịch vụ là một trong những yếu tố quan trọng định vị thương hiệu smartcard và phản ánh sự ưa chuộng của người tiêu dùng. Thẻ LinkCard nhắm đến phân khúc cao cấp, do đó phí sở hữu thẻ đến 2 triệu đồng/năm. Đây là mức phí tương đối cao so với mặt bằng thu nhập tại Việt Nam, là yếu tố hạn chế phát triển số lượng thành viên. Tuy nhiên các thành viên LinkCard có thể tiếp cận được hệ thống các thương hiệu bán lẻ được nhận diện hàng đầu trên thế giới hiện nay.
Thẻ LingoCard có mức phí dịch vụ trả trước thấp nhất hiện nay – 100.000 đồng/24 tháng. Trong khi đó, YesCard cung cấp nhiều gói phí dịch vụ trả trước tuỳ vào mục đích của khách hàng, từ 365.000 – 600.000 đồng/năm. SmilesCard chọn cách trừ phí sử dụng thẻ trực tiếp trên phần trăm điểm tích luỹ giao dịch của khách hàng, với phí tối đa 500.000 đồng/năm. Điểm khác biệt của SmilesCard là thành viên có thể quy đổi điểm tích lũy để thanh toán hoá đơn khi chưa trả hết phí dịch vụ thường niên và không bị cộng dồn phí sử dụng vào năm sau. Cả LinkCard và SmilesCard còn thu hút người dùng với các hoạt động cộng đồng, thông qua chương trình tích luỹ điểm, các thương hiệu này cùng với khách hàng và đối tác đóng góp cho các quỹ từ thiện địa phương.
Bên cạnh chức năng thẻ thành viên, smartcard còn có tính năng như những thẻ thanh toán và thẻ ATM thông thường. Các thành viên thẻ cần chú trọng vào mạng lưới và các tiện ích tạo khả năng tích luỹ điểm thanh toán với nhiều nhãn hàng. Nhà khai thác uy tín luôn tạo ra các thẻ đồng thương hiệu với các thương hiệu mạnh về mua sắm – du lịch – ẩm thực – hàng không cho đến y tế sức khoẻ, tài chính, viễn thông...
Chia sẻ kinh nghiệm thị trường, ông Phạm Hà Thanh Thuỷ, giám đốc Customer Smile, cho biết loại hình dịch vụ này đang tạo bước ngoặt lớn thay đổi hành vi tiêu dùng trong cộng đồng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Còn theo ông Nguyễn Thành Trung, cục trưởng cục Xúc tiến thương mại, hạn chế lớn hiện nay là thông tin khuyến mãi thiếu minh bạch và cụ thể, đảm bảo cam kết của nhà phát hành thẻ đối với người tiêu dùng. “Tuy nhiên theo xu hướng tiêu dùng hiện đại, đây là một thị trường tiềm năng, muốn cạnh tranh nhà cung cấp buộc phải loại dần các đối tác thiếu uy tín ra khỏi hệ thống, mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng”.
Hoàng My
Theo Sgtt.vn