Cây siêu cao lương được cho là loại cây “vàng” của Nhật Bản vì cho siêu năng suất, trồng 1 lần cho thu hoạch 3 lần vì là cây tái sinh. Đây là nguồn nguyên liệu chế biến được rất nhiều sản phẩm, như: xăng sinh học, viên nén sinh học, thức ăn gia súc... Nông dân Đồng Nai được chọn trồng khảo nghiệm loại giống mới này, vụ thu hoạch đầu cho kết quả khả quan nhưng ở vụ tái sinh lại thất bại.

 

Theo hợp đồng trình diễn trồng khảo nghiệm giống cây siêu cao lương mới được ký kết giữa Công ty TNHH siêu cao lương SOL Việt Nam và nông dân, thì phía doanh nghiệp đầu tư giống, hỗ trợ chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật..., tiến hành theo dõi, đánh giá giá trị canh tác và sử dụng đất của nông dân, mua độc quyền toàn bộ sản phẩm cây siêu cao lương của nông dân. Phía doanh nghiệp cam kết đảm bảo doanh thu từ cây siêu cao lương cho nông dân đạt khoảng 52 triệu đồng/0,5 hécta trong 8 tháng, tương đương với 2 vụ bắp với lợi nhuận đạt được ít nhất bằng hoặc hơn cây bắp.

Tuy nhiên, thực tế nông dân hầu như không có lời trong mô hình trồng thực nghiệm như công ty đưa ra. Ông Lê Văn Dũng, nông dân tại xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc), cho hay: “Nông dân trồng đúng theo quy trình hướng dẫn do cán bộ kỹ thuật từ công ty cử xuống. Vụ trồng siêu cao lương này trễ hơn gần 2 tháng so với thời điểm xuống bắp của nông dân. Công ty lại tổ chức thu hoạch vụ 1 trễ  hơn cả nửa tháng nên khi tái sinh vụ 2 thì hết mưa, cây không phát triển được. Chúng tôi muốn tưới nước cho cây sinh trưởng thì cán bộ kỹ thuật của công ty yêu cầu không cần tưới. Chính vì vậy, năng suất vụ 2 hầu như không có, nhưng doanh nghiệp lại bỏ qua nguyên nhân này và vẫn căn cứ vào mức năng suất thực tế để tính tiền với nông dân là không hợp lý”.

Đánh giá ban đầu về hiệu quả của cây siêu cao lương, ông Nguyễn Lam Điền, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Xuân Lộc, nhận xét cần thêm thời gian trồng khảo nghiệm để đánh giá đúng hiệu quả giống cây trồng này. Vì với hiệu quả ban đầu, nông dân không bị thuyết phục bởi cây trồng này, nhất là chi phí đầu tư lớn hơn nhiều so với cây bắp. Ông Điền tính toán: “Công chăm sóc và nhất là thu hoạch cây trồng này rất cao, có nông dân mất gần 15 triệu đồng để thu hoạch 0,5 hécta. Những chi phí này “ăn” hết phần lời của nông dân”. Ngoài ra, vấn đề vướng mắc lớn nhất của nông dân hiện nay là doanh nghiệp không đưa ra chính sách thu mua và giá thành cụ thể, rõ rằng với nông dân. Nông dân cũng mù mờ về cách tính sản lượng của doanh nghiệp. Theo ông Điền, điều cũng cần quan tâm là vấn đề cải tạo không để đất bị thoái hóa vì trồng giống cây mới này. Vì trồng giống cây mới này, đất chỉ bị lấy đi mà không được trả lại nguồn dinh dưỡng như trồng các loại cây hàng năm khác.

 

Theo Báo Đồng Nai

.