Ngang nhiên đổ hơn 100 nghìn tấn thải lên đất rừng và nương rẫy

Mới đây, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án thủy điện Đắk Re (xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum). Chủ đầu tư của dự án này là Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân.

leftcenterrightdel
 Nhà máy thủy điện Đắk Re (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum). 

Theo giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, thủy điện Đắk Re có công suất 30MW, tiến độ thực hiện 2007 – 2010. Tuy nhiên, sau đó dự án phải điều chỉnh tiến độ đến 4 lần, với tổng thời gian điều chỉnh là 10 năm và thực tế dự án đã thực hiện trong 12 năm. Đến nay, thủy điện này vẫn dở dang nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum không theo dõi, buông lỏng quản lý, giám sát đầu tư đối với dự án.

Tại thời điểm thanh tra, dự án chậm tiến độ, đủ điều kiện thu hồi tiền ký quỹ, nhưng cơ quan chức năng không thu hồi tiền ký quỹ là thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum. Do đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ với tổng số tiền hơn 21 tỉ đồng.

Mặt khác, theo giấy chứng nhận đầu tư, diện tích sử dụng đất để thực hiện Dự án thủy điện Đắk Re là 175,045 ha (Kon Tum 146,19 ha, Quảng Ngãi 28,855 ha). Đến ngày 11/11/2019, UBND tỉnh Kon Tum giao đất, cho thuê đất 171,61 ha (tăng 25,42 ha so với giấy chứng nhận đầu tư) là việc làm tùy tiện, vi phạm Điều 52 Luật Đất đai 2013, thể hiện sự buông lỏng quản lý về đất đai. Đến ngày 1/4/2020, UBND tỉnh Kon Tum mới điều chỉnh chủ trương đầu tư là có dấu hiệu hợp thức hóa cho việc cho thuê đất vượt nhu cầu của dự án.

Mặt khác, khi điều chỉnh quy mô (30MW lên 60MW), diện tích dự án (175,045 ha lên 192,155ha), chủ đầu tư Dự án thủy điện Đắk Re không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý là vi phạm.

Đặc biệt, khi thi công kênh thông hồ, chủ đầu tư đã trực tiếp đổ thải tại 2 vị trí thuộc thôn 1, xã Hiếu, huyện Kon Plông không đúng quy định (vị trí đổ thải là đất rừng và đất nương rẫy của các hộ dân), với khối lượng tạm tính khoảng 110.513 tấn. Thanh tra Chính phủ kiến nghị, hành vi vi phạm của chủ đầu tư cần phải được UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo xác định khối lượng chính xác, xử phạt hành chính theo quy định và nộp số tiền này về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả, trả lại trạng thái ban đầu và báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Chính phủ.

Ngoài ra, quá trình thực hiện Dự án thủy điện Đắk Re, chủ đầu tư còn có một số vi phạm như: chiếm dụng đất trái phép để thi công đường dây điện 22KV từ nhà máy tới đập trên đất rừng, khoảng 147 móng trụ (4 m3/1 móng) khi chưa được cho thuê đất và cấp phép xây dựng; công trình ngầm chưa được cho thuê đất; chiếm dụng đất làm bãi trữ đá số 1, 2 và thi công ống dẫn nước từ vị trí lòng hồ 3 để dâng nước về kênh thông hồ.

Không khắc phục hậu quả, sẽ chuyển cơ quan điều tra

Không riêng gì Dự án thủy điện Đắk Re, Thanh tra Chính phủ còn vạch ra nhiều sai phạm tại Dự án thủy điện Thượng Kon Tum (thuộc địa bàn xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy và các xã Đăk Tăng, Ngọc Tem, Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Dự án do Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh làm chủ đầu tư.

Theo kết luận thanh tra, Dự án thủy điện Thượng Kon Tum được UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 2/2009, với quy mô, diện tích dự kiến sử dụng là hơn 1.400 ha, tổng vốn đầu tư là 5.245 tỉ đồng, tiến độ thực hiện 2008-2013. Sau đó, dự án có 4 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đến tháng 8/2020, UBND tỉnh Kon Tum quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, với diện tích đất dự kiến sử dụng 910,85 ha, tổng vốn đầu tư hơn 9.428 tỉ đồng, tiến độ thực hiện 2010-2021.

Theo Thanh tra Chính phủ, Dự án thủy điện Thượng Kon Tum đã được thực hiện trong thời gian dài (2009 đến nay) và UBND tỉnh Kon Tum đã có nhiều văn bản cho phép điều chỉnh thực hiện nhưng tiến độ thực hiện dự án vẫn không đảm bảo theo quy định.

Hơn nữa, theo quy định, nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án khi giao đất, cho thuê đất và việc ký quỹ phải thực hiện trước khi giao, cho thuê đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, ngày 25/1/2016, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định về việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất và giao đất cho chủ đầu tư để xây dựng các hạng mục thuộc Dự án thủy điện Thượng Kon Tum (đợt 1) với tổng diện tích là 112,67 ha. Sau đó, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định chấp thuận giãn tiến độ đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhưng không thực hiện việc ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án là trái quy định.

Không chỉ vậy, UBND tỉnh không yêu cầu chủ đầu tư lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thay đổi địa điểm thực hiện dự án, tăng diện tích đất đã chiếm dụng trước đó 109,05 ha là trái quy định. Bên cạnh đó, không thực hiện thu hồi đất đã giao khi hết thời hạn giao đất; không yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp diện tích 48,225 ha là trái quy định, gây thất thu ngân sách nhà nước hơn 4,6 tỉ đồng.

Đối với diện tích 501,55 ha là đất rừng, trên thực tế đã đưa vào sử dụng vào mục đích khác từ năm 2011 đến 2016 nhưng UBND tỉnh buông lỏng quản lý, không ban hành quyết định chuyển mục đích rừng sang sử dụng vào mục đích khác. Công ty chưa được UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm là tuyến năng lượng (đường dẫn nước) và khu vực nhà máy nhưng đã thực hiện triển khai xây dựng từ năm 2015 là hành vi chiếm đất bị nghiêm cấm theo quy định Luật Đất đai năm 2013 nhưng cơ quan chức năng của tỉnh đã buông lỏng quản lý.

Không dừng lại ở đó, UBND tỉnh chưa có quyết định cho thuê đất làm bãi trữ và bãi thải nhưng quá trình thực hiện thi công, chủ đầu tư đã tự ý đổ đất, đá thải (hàng triệu m3) tại hai vị trị nằm trong diện tích đất đã được cho thuê (không phải là đất bố trí để làm bãi thải) và một vị trí đổ thải ngoài diện tích đất đã được cho thuê là trái quy định.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, vi phạm tại Dự án thủy điện Thượng Kon Tum phải được xử lý theo đúng quy định, cần yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng sử dụng đất đúng mục đích như ban đầu. Trường hợp không khắc phục được hậu quả, Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật./.

Nguyễn Chính