Lần đầu tiên tổ chức, Phiên chợ hàng nông sản An Giang thành công ngoài mong đợi. Thành công ấy không chỉ đến từ hơn 10.000 lượt khách tham quan, mua sắm và từ doanh số bán hàng trên 2 tỷ đồng, mà còn xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng, đối với sản phẩm trong tỉnh. Đây là kênh kết nối giao thương hiệu quả, tạo hứng khởi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
 
Đặc sản xuống phố
 
Hôm khai mạc Phiên chợ hàng nông sản An Giang lần I-2017 (sáng 23-6), mưa rơi lất phất. Suốt 3 ngày tổ chức, hôm nào cũng có mưa. Điều đó không ngăn được những người phố thị Long Xuyên tìm đến 33 gian hàng của phiên chợ. Không ít người bắt gặp lại ký ức miền quê thông qua trái xoài, cam xoàn, bưởi da xanh… Những món ăn đặc sản chỉ có ở từng địa phương, níu chân du khách mỗi lần có dịp ghé qua, được mang xuống TP. Long Xuyên để người dân phố thị thưởng thức. Đó là món bánh bò Út Dứt trứ danh, mắm cá mè vinh đậm đà, tung lò mò với hương vị riêng của đồng bào Chăm cùng đến từ quê lụa Tân Châu.
 
Đó là món chả cá nàng hai đặc biệt của vùng cù lao Phú Tân. Đó là các món bánh hạnh nhân, bánh in, bánh quy, bánh kẹp truyền thống của Chợ Mới. Thoại Sơn bất ngờ mang đến bông điên điển khi mùa nước nổi còn chưa về. Tịnh Biên, Tri Tôn thu hút sự hấp dẫn khi mang xuống phố thị nào là bánh thốt nốt, trái trúc, tiêu hạt, măng mạnh tông, măng le, rau rừng Bảy Núi. An Phú, Châu Đốc, Châu Phú, Châu Thành mang theo các sản vật rất riêng của địa phương. Dĩ nhiên, “chủ nhà” Long Xuyên cũng không chịu kém cạnh khi giới thiệu sản phẩm thế mạnh là hoa kiểng cùng với sữa bắp, rau an toàn, dâu tằm ăn, rượu sầu đâu, rượu linh chi…

 

Sản phẩm dâu tằm Mỹ Khánh thu hút khách
Sản phẩm dâu tằm Mỹ Khánh thu hút khách
Chủ tịch Hội Nông dân (HND) tỉnh Châu Văn Ly cho biết: “Có những gian hàng không đủ hàng để bán, phải liên tục điều thêm hàng từ huyện xuống. Hầu hết các cơ sở sản xuất, hợp tác xã cho rằng, lượng nông sản tiêu thụ được tại Phiên chợ hàng nông sản An Giang cao gấp 1,5 lần so với khi tham gia các phiên chợ khác. Đây là động lực để chúng tôi tổ chức phiên chợ thường niên, tiến tới tổ chức đều đặn theo định kỳ để làm điểm kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng”.
 
Sức hút đặc biệt
 
Có những đặc sản của An Giang đã được biết tiếng từ lâu nhưng lần đầu tiên được người sản xuất “chính chủ” mang xuống phố, đã tạo sức hút đặc biệt. “Hôm khai mạc phiên chợ, tôi hứa với vợ sẽ mua bánh bò Út Dứt về cho gia đình ăn. Tuy nhiên, đi làm về ghé ngang thì bánh bò đã hết sạch, nhân viên tại gian hàng Tân Châu hẹn chiều ghé lại. Cuối giờ chiều, bánh bò lại hết, cả nhà tưởng mình hứa lụi. Đến sáng hôm sau, tranh thủ ngày thứ bảy được nghỉ, tôi ghé lúc 8 giờ sáng mới có bánh bò mua về”- anh Nguyễn Thanh Cần, phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), chia sẻ.
 
Không riêng gì món bánh bò Út Dứt trứ danh với bí quyết hòa nước cốt dừa trong bánh, nhiều sản vật khác cũng khiến khách tham quan… buồn lòng khi không có đủ sản phẩm cung ứng. “Cứ nghĩ chủ yếu mang xuống trưng bày là chính nhưng khách tham quan hỏi mua liên tục mà hàng ở nhà không có sẵn nhiều, chuyển xuống không đủ. Chúng tôi chuộc lỗi bằng cách xin địa chỉ người mua để gửi xuống sau”- một nhân viên của gian hàng huyện Phú Tân bộc bạch. Đây cũng là gian hàng có cách làm sáng tạo khi vừa trưng bày sản phẩm cá nàng hai, vừa chế biến chả cá tại chỗ kết hợp bán bún, bánh canh chả cá cho thực khách.
 
Không những cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng, Phiên chợ hàng nông sản An Giang còn giúp kết nối nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp tiêu thụ. Điển hình như đại diện nhà hàng Khoa Trí (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) sau khi tham quan gian hàng huyện Thoại Sơn, đã ký hợp đồng tiêu thụ tôm càng xanh ở vùng nuôi Phú Thuận. Một doanh nghiệp khác đã ký được hợp đồng tiêu thụ cá, trong khi Công ty TNHH MTV TM-DV Phan Nam ký hợp đồng tiêu thụ rau an toàn. Ông Châu Văn Ly cho biết, sau phiên chợ, HND tỉnh cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương… tiếp tục xúc tiến, kết nối doanh nghiệp trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ nông sản an toàn của nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
 
Cùng với các gian hàng của nông dân, hợp tác xã, gian hàng của Công ty TNHH MTV TM-DV Phan Nam và Công ty TNHH Angimex Kitoku rất thu hút khách hàng bởi các sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn. Riêng 2 gian hàng của Ngân hàng Tiên Phong và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh An Giang thu hút trên 2.000 khách hàng đến tìm hiểu thông tin, đăng ký thủ tục vay vốn.

 

Theo Ngô Chuẩn (Báo An Giang)
.