Mặc dù các cơ quan nghiên cứu đã khẳng định sừng tê giác và ngà voi có cấu tạo không khác gì… móng tay, song nhiều người vẫn tin vào lời đồn thổi rằng chúng là “thần dược” để tìm mua. Chính hành động đó đã tiếp tay cho tội phạm buôn lậu kiếm bộn tiền.

 


1001 “chiêu” ngụy trang, đối phó

Ngày 13-8 vừa qua, khi kiểm tra 2 container của Công ty TNHH Vạn An (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), lực lượng chức năng đã phát hiện 8/16 khối bất thường, có màu sắc giống hệt cẩm thạch nhưng chất liệu tổng hợp, xốp, được ngụy trang bên ngoài bằng lớp keo chống soi chiếu. Bên trong mỗi khối chứa 10-25 mẫu vật nghi ngà voi và sừng tê giác với khối lượng hơn 680 kg. Ước tính giá trị lô hàng này khoảng 100 tỷ đồng. Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã bước đầu xác định, đây là đường dây buôn lậu hàng cấm từ Mozambique về Việt Nam. Hiện các mẫu vật đã được gửi đi trưng cầu giám định để xác định chủng loại làm căn cứ xử lý.

Ít ngày sau, chiều 21-8, tại cảng Đà Nẵng, Cục Cảnh sát PCTP buôn lậu - Bộ Công an phối hợp với Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã mở, khám xét 3 container của Công ty TNHH Vạn An, phát hiện bên trong chứa 2,2 tấn ngà voi có dấu hiệu nhập lậu từ châu Phi về Việt Nam.

Cả hai lô hàng trên được che giấu bằng các hình thức rất tinh vi nhằm lọt qua hệ thống soi chiếu và giám sát của cơ quan chức năng. Giống như lô hàng thứ nhất được ngụy trang bằng “cẩm thạch”, lô hàng thứ hai được doanh nghiệp khai là gỗ nhập từ Nigeria nhưng bên trong là gỗ tạp và 63 bao tải chứa ngà voi.

Những vụ việc trên không phải là hi hữu. Ngày 16-4, Hải quan Nội Bài đã phát hiện vụ vận chuyển trên 65kg ngà voi và sừng tê giác theo đường hàng không từ Pháp về Nội Bài. Trước đó, một người đàn ông Việt Nam bị phát hiện cất giấu 27kg sừng tê giác trong hành lý và bị bắt tại sân bay Bangkok (Thái Lan). Theo lời khai của người đàn ông này, anh ta bay đến Thái Lan từ Ethiopia và đang chờ lên một chuyến bay khác để tới Hà Nội. Giá trị lô hàng bị bắt khoảng 30 tỷ đồng. Cuối năm 2012, Công an TP.HCM cũng đã phát hiện lô hàng chứa 158 chiếc ngà voi, trọng lượng trên 2.400kg, trị giá trên 100 tỷ đồng.

Bỏ lỡ cơ hội vàng trong điều trị bệnh

Theo những lời truyền miệng, sừng tê giác có công dụng chữa bệnh ung thư, liệt dương, còn đeo trang sức ngà voi thì có tác dụng tránh gió, phòng nhiễm độc... Đây chính là nguyên nhân khiến ngà voi và sừng tê giác được đẩy lên với giá trên trời. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định tác dụng của những sản phẩm này như các lời đồn đại. Thậm chí, trong sừng tê giác có nhiều thành phần phức tạp khiến người dùng có nguy cơ bị dị ứng và nhiễm độc.

GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K - Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam đã khẳng định, sừng tê giác có thành phần cấu tạo như móng tay người, nó là chất sừng thông thường chứ không phải là thần dược như mọi người vẫn nghĩ. Thời gian qua, tỷ lệ người bệnh mắc ung thư phát hiện sớm rất thấp, một phần do tin vào tác dụng của nấm lim xanh, sừng tê giác… đối với căn bệnh này nên đã làm mất đi “thời gian vàng” trong điều trị. Chưa kể đến việc, do giá thành cao nên sừng tê giác bị làm giả khá nhiều.

Theo các tài liệu của y học phương Đông, sừng tê giác có tính hàn, vị đắng... Trong Đông y hiện nay hầu như không dùng sừng tê giác để chữa bệnh, vì vừa đắt vừa khó tìm và có nhiều thảo dược khác thay thế rẻ tiền hơn. Sừng tê giác có tính hàn, còn ung thư là mụn nhọt. Nếu dùng để điều trị bệnh ung thư thì hàn gặp hàn nên dễ “tắc tử”. Ngoài ra, nó cũng không có tác dụng bổ huyết, bổ khí, bổ âm, bổ dương như đồn thổi nên không làm cho con người khỏe ra và cũng không có chuyện uống sừng tê giác để tăng tuổi thọ, trái lại còn dễ dẫn đến liệt dương. Còn đối với ngà voi, tuy giá thành rất cao nhưng thực tế cũng không có tác dụng gì đối với sức khỏe.

Có thể nói, mặc dù ngà voi, sừng tê giác là những hàng hóa cấm nhập khẩu và buôn bán, nhưng vì lợi nhuận nên nhiều đối tượng vẫn tìm đủ mọi cách để thực hiện hành vi này. Trong khi đó, nhiều người dân chỉ vì tin theo lời đồn đã bỏ ra không ít tiền để tìm mua bằng được những sản phẩm không có tác dụng như mong muốn, thậm chí là hàng giả về sử dụng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng. Để ngăn chặn tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác, ngoài việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, rất cần mỗi người dân tỉnh táo. Khi cầu không có thì đương nhiên hết đường cung.
 

Theo ANTĐ

.