(BVPL) - Ngày 18/3/2015, ông Nguyễn Nhật Lệ, chủ nhà hàng Tre Làng (58/116 Nhân Hòa, Thanh Xuân, Tp Hà Nội) mua 2 thùng Coca Cola tại siêu thị VINAMART, khi đưa cho khách sử dụng thì phát hiện có 1 lon, vỏ hộp còn nguyên nhưng không có ruột. Ông Lệ báo cho phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật và nhờ liên hệ với nhà sản xuất. Tuy nhiên, sau khi trực tiếp xem hiện vật và gạ “hàng đổi hàng” không thành, Công ty Coca Cola đang tìm cách chối bỏ trách nhiệm.
 
 Ông Lệ và sản phẩm Coca Cola bị lỗi
Ông Lệ và sản phẩm Coca Cola bị lỗi
 
Nhân chứng, vật chứng…
 
Trong sổ kế toán nhà hàng Tre Làng còn lưu giữ phiếu bán hàng của siêu thị VINAMART (địa chỉ 100 phố Nhân Hòa), đây là địa chỉ thuộc đại lý khu vực quận Thanh Xuân.  
 
Theo trình bày của ông Lệ, nhà hàng Tre Làng được ông thuê lại mấy năm nay, chủ yếu là bán bia hơi và các đồ uống khác, trong đó Coca Cola là một trong số sản phẩm khách thường dùng. 2 thùng Coca Cola được nhân viên nhà hàng mua từ tháng 3 nhưng cho tới gần cuối tháng 4/2015, khách hàng mới sử dụng đến lon… không có ruột. Sau khi phát hiện, khách hàng đã bức xúc, bóp méo lon Coca Cola trước mặt ông Lệ khi đang có rất nhiều thực khách khác ăn nhậu tại quán với lời chỉ trích: “Nhà hàng mua đồ rởm phục vụ khách, chúng tôi không trả tiền”. Để làm dịu sự bức xúc, ông Lệ xin lỗi khách hàng và miễn toàn bộ số tiền ăn nhậu của đoàn khách hôm đó. 
 
Phiếu mua 2 thùng Coca Cola ngày 18/3 của nhà hàng Tre Làng
Phiếu mua 2 thùng Coca Cola ngày 18/3 của nhà hàng Tre Làng
 
Sau khi khách ra về, ông Lệ yêu cầu nhân viên kế toán kiểm tra lại nguồn gốc của lon Coca Cola. Rất may, sổ sách kế toán của nhà hàng vẫn còn lưu giữ phiếu mua hàng và mọi thông tin đều thể hiện rất rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo thông tin được thể hiện trên vỏ lon, sản phẩm này được đóng nắp lúc 10 giờ 33 phút, ngày 27/02/2015, hạn sử dụng đến ngày 27/02/2016. Mã số mã vạch ghi trên vỏ lon là 8935049510116. Hình thức vỏ lon không có dấu hiệu bị làm giả, mẫu mã, các thông tin chung về nhà sản xuất, sản phẩm giống hệt các vỏ lon Coca Cola khác còn lại tại nhà hàng. Trong lon này chỉ có một ít nước và không rò rỉ, nắp lon vẫn còn nguyên. Lon được đựng trong thùng bằng giấy các-tông cùng 23 lon khác có số ký hiệu ghi dưới đáy thùng là 18935049510113. Đáy thùng các-tông này không có hiện tượng bị ướt nước do lon bị rò rỉ. 
 
Lon Coca Cola nguyên vỏ nhưng không có ruột
Lon Coca Cola nguyên vỏ nhưng không có ruột
 
Từ “nhân chứng, vật chứng” này, bằng mắt thường, nhận định ban đầu của ông Lệ thì đây là lỗi của dây chuyền sản xuất nhà máy Coca Cola Việt Nam. 
 
Đại diện Coca Cola nói gì?
 
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của ông Lệ, phóng viên báo Bảo vệ pháp luật đã tìm đến địa chỉ nêu trên, đề nghị cho chụp lại hình ảnh vỏ lon, vỏ bao bì và phiếu bán hàng. Sau khi hoàn tất các việc nói trên, để có câu trả lời khách quan, trung thực, kíp thời với bạn đọc, ngày 10/4/2015 chúng tôi đã liên hệ với đường dây nóng của nhà sản xuất là 1900555584 để phản ánh sự việc. Nhận được phản ánh, ngày 13/4/2015, Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam (tên gọi đầy đủ theo pháp nhân) đã cử bà Nguyễn Thị Ý  Như- Trưởng phòng Truyền thông và đối ngoại cùng với 2 nhân viên khác của nhà sản xuất, đến gặp trực tiếp khách hàng, có sự chứng kiến của phóng viên. 
 
Đại diện nhà sản xuất đang kiểm tra trực tiếp sản phẩm bị sự cố
Đại diện nhà sản xuất đang kiểm tra trực tiếp sản phẩm bị sự cố
 
Tại buổi làm việc, bà Như và các nhân viên đại diện cho nhà sản xuất được ông Lệ cho xem trực tiếp sản phẩm. Sau khi xem và chụp lại hình ảnh vỏ lon Coca Cola còn nguyên nắp nhưng không có ruột, đại diện nhà sản xuất không đưa ra được ý kiến gì chính thức ngoài việc đề nghị ông Lệ cho phép thu hồi vỏ lon và bồi thường thiệt hại bằng sản phẩm Coca Cola lon… có ruột. Ông Lệ không đồng ý với lý do: “Coca Cola là một thương hiệu, nhà hàng Tre Làng của tôi cũng là một thương hiệu! Tôi không mua đồ rởm để phục vụ khách, bởi vậy Coca Cola cần có một thái độ hợp tác và có trách nhiệm với thương hiệu nhà hàng Tre Làng của tôi”.  Tuy nhiên, do không có thẩm quyền quyết định yêu cầu của khách hàng nên bà Như và các nhân viên đại diện cho Coca Cola chỉ lập biên bản sơ sài về buổi làm việc và xin cáo lui. 
 
Ngay ngày hôm sau, ông Lệ nhận được điện thoại từ một người lạ, giới thiệu tên là Dũng, tự nhận là “đại diện nhà phân phối của Cola Cola khu vực quận Thanh Xuân”. Ông Dũng xin được gặp ông Lệ để thương lượng, giải quyết vụ việc liên quan đến lon Coca Cola còn nguyên vỏ nhưng không có ruột này bằng giải pháp “hàng đổi hàng” hoặc “đổi 1 bộ bếp từ nhãn hiệu Kangaru kèm theo bộ nồi”. Ông Dũng cho biết, ông nhận ý kiến chỉ đạo này từ ông Tống Văn Sơn, phụ trách phân phối Cola Cola khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, đề nghị này của ông Dũng đã bị ông Lệ từ chối.
 
Lon Coa Cola bị lỗi và lon không bị lỗi có cùng ngày sản xuất
Lon Coa Cola bị lỗi và lon không bị lỗi có cùng ngày sản xuất
 
Để có thông tin chính thống, sáng 16/4/2015, phóng viên báo Bảo vệ pháp luật liên hệ trực tiếp với bà Như qua số điện thoại 0938109990. Nội dung cuộc điện thoại, phóng viên có ý định hỏi bà như 3 câu: Một là, sau khi trực tiếp xem vỏ lon Coca Coca còn nguyên vỏ nhưng không có ruột, bà có xác nhận đó là vỏ lon của Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam sản xuất hay không? Hai là, tại sao nhà máy Coca Cola lại có những lỗi trong quy trình sản xuất như thế? Ba là, Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam sẽ giải quyết như thế nào đối với khách hàng mua phải những sản phẩm bị lỗi này?
 
Tuy nhiên, sau khi nghe phóng viên điện thoại, bà Như đã tìm cách từ chối trả lời phóng viên bằng câu nói: “Công ty Coca Cola sẽ có văn bản trả lời chính thức cho khách hàng và cho Quý báo”. Và, ngay chiều 16/4, phóng viên nhận được điện thoại từ số máy 1900555584, người gọi là một phụ nữ, giới thiệu “em là nhân viên bộ phận chăm sóc khách hàng của Công ty Coca Cola Việt Nam”. Nhân viên này đề nghị phóng viên cung cấp e-mail để gửi bản chụp công văn trả lời khách hàng (ông Lệ) về vụ việc. Tại công văn nói trên, địa chỉ khách hàng là ông Lệ và nhà hàng Tre Làng, Công ty Coca Cola đã ghi không chính xác (phố Nhân Hòa ghi nhầm thành đường Ngụy Như Kon Tum). Văn bản này đã bắt đầu thể hiện Coca Cola Việt Nam từ chối trách nhiệm với khách hành bằng cụm từ: “Qua quan sát thực tế sản phẩm, lon bị bóp méo, trên thân lon có nhiều lỗ nhỏ. Theo nhận định ban đầu của nhà máy, có thể lon sản phẩm đã chịu lực tác động và va đập trong quá trình lưu thông”. Với “nhận định” như vậy đã thể hiện ý chí của Coca Cola Việt Nam là “lỗi của sản phẩm không phải do nhà máy sản xuất”. Theo đó, khách hàng không chấp nhận “hàng đổi hàng” hoặc “đổi 1 bộ bếp từ nhãn hiệu Kangaru kèm theo bộ nồi” thì coi như Coca Cola hết trách nhiệm. 
 
Xin nói thêm rằng, nếu lon Coca Cola con nguyên nắp, nguyên vỏ và có ruột, không ai có thể dễ dàng bóp méo được. Sau khi nhận được văn bản trả lời của Công ty Coca Cola Việt Nam, ông Lệ cho biết, sẽ thông tin vụ việc cho các cơ quan báo chí và sẽ khởi kiện nhà sản xuất ra tòa. Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về diễn biến vụ việc này./.
 
Trần Cường