Theo thống kê, mỗi năm lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra, xử lý gần 90.000 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hàng lậu, hàng giả.

 

Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 119.651 vụ, xử lý 63.978 vụ, với tổng số tiền phạt hành chính lên đến hơn 187 tỷ đồng. Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cũng cho biết, 9 tháng năm 2014, ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ trên 12.000 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... với giá trị ước tính trên 205 tỷ đồng.

Ở Bình Dương, 9 tháng năm 2014, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 9.354 vụ, phát hiện hơn 3.060 vụ vi phạm, đã xử lý 2.766 vụ vi phạm.

Hàng buôn lậu, hàng giả đã trở thành một vấn nạn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và sản xuất hàng hóa. Những con số trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian qua cũng chỉ mới phản ánh được một phần của “cuộc chiến” nóng bỏng này. Đây chỉ là phần nổi nhỏ của tảng băng chìm lớn. Không biết đã có bao nhiêu hàng lậu, hàng giả len lỏi qua mặt lực lượng chức năng để có mặt trên thị trường từ Bắc đến Nam. Trước đây, hàng lậu, hàng giả được nhập khẩu trái phép qua biên giới chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu. Nhưng nay, bất cứ mặt hàng nào có lợi nhuận cao thì đối tượng buôn lậu tìm cách nhập lậu, không chỉ có thuốc lá, rượu ngoại, hàng điện tử mà còn cả ma túy, tiền giả… Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên nhiều địa bàn, với thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả vì lợi nhuận đã không từ bỏ hành vi, thủ đoạn.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại sẽ ngày càng phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trước tình hình buôn lậu ngày càng gia tăng và phức tạp nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhiệm vụ đặt ra cho các lực lượng chức năng tại các địa phương có cửa khẩu biên giới, lực lượng quản lý thị trường càng phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hiệu quả vấn nạn hàng lậu, hàng giả. Hàng lậu là hàng trốn thuế, làm hàng giả là hành vi gian lận thương mại, vì vậy không thể để hàng lậu, hàng giả thao túng thị trường. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì việc tuyên chiến với hàng lậu, hàng giả cũng là hành động thiết thực nhằm để bảo vệ hàng Việt.


Theo Báo Bình Dương

.