Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam tăng đạt mức 53,5 điểm trong tháng 4 nhờ vào nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI mới tăng, điều này góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

 


Ngày 5/5 vừa qua, khối nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng TNHH MTV HSBC (HSBC Việt Nam) đã công bố bản báo cáo Kinh tế vĩ mô - triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2015 với tên gọi “Tầm quan trọng của GDP danh nghĩa”.
 

Chỉ số PMI ngành sản xuất tăng trong tháng 4.
Chỉ số PMI ngành sản xuất tăng trong tháng 4.


Theo đó, dù nhiều số liệu kinh tế trong khu vực không mấy khả quan nhưng chỉ số PMI trong tháng 4 của nước ta lại là ngoại lệ. Chỉ số này đang đi ngược xu hướng của vùng và tăng từ mức 50,7 điểm trong tháng 3 lên mức 53,5 điểm trong tháng 4. Tất cả chỉ số phụ đều thể hiện sự cải thiện, chỉ số chính từ đơn hàng mới trừ hàng tồn kho được dự đoán sẽ tăng trong những tháng tới. Điều này một phần phản ánh tính cạnh tranh về chi phí lao động của Việt Nam tiếp tục là yếu tố thu hút luồng FDI chạy vào.

Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC nhận định, còn nhiều doanh nghiệp đầu tư trong nước đang hoạt động không tốt. Những số liệu mới nhất tiếp tục cho thấy một xu hướng đáng lo ngại là xuất khẩu của các công ty này giảm 1,6% tính từ đầu năm đến nay trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tận dụng tốt chi phí lao động rẻ của Việt Nam đưa xuất khẩu của họ tăng 12,3% từ đầu năm đến nay. Đồng tiền Việt vốn gắn liền với thương mại tăng giá được đánh giá là giảm tính cạnh tranh về giá của các công ty trong nước và giá cả hàng hóa yếu cũng góp phần vào tình hình này.
 

 Các chỉ số phụ đều rất tích cực.
Các chỉ số phụ đều rất tích cực.


“Tăng trưởng GDP thực của Việt Nam đang cải thiện một cách vững chắc, chúng tôi hy vọng tăng trưởng sẽ đạt mức 6,1% trong năm 2015 từ mức 6% trong năm 2014. Tuy nhiên, GDP danh nghĩa đã tăng rất chậm do bị ảnh hưởng bởi áp lực giá cả trì trệ. Chúng tôi kỳ vọng GDP danh nghĩa trong năm 2015 sẽ chậm lại ở mức 9,8% so với dự báo của Chính phủ là 13,8%” một chuyên viên ngân hàng này cho biết.

Riêng đối với chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 4/2015 của Việt Nam, đây là một minh chứng mang tính cạnh tranh của chi phí nhân công. PMI tăng từ mức 50,7 điểm trong tháng 3 lên 53,5 điểm, bất kể các dấu hiệu suy giảm trong vùng, đây được xem là mức tăng cao nhất kể từ khi khảo sát PMI bắt đầu vào tháng 4/2011.

 

Theo Người tiêu dùng

.