Xung đột pháp luật - rào cản đối với  nhà đầu tư 

Tại Hội thảo “Góp ý dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) diễn ra mới đây, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, còn nhiều chồng chéo, thiếu rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh. “Có rất nhiều xung đột pháp luật, đặc biệt nếu đi đến các địa phương sẽ gặp rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đất đai, xây dựng, bất động sản gặp những vấn đề rất phức tạp”- ông Tuấn nói và đưa ra nhiều ví dụ về xung đột về các bộ luật, thông tư, điển hình như: Luật Nhà ở tại Điều 171.2 yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhưng Luật Đầu tư tại Điều 33 quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…

leftcenterrightdel
Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã tác động sâu rộng đến môi trường đầu tư kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.  

“Việc chồng chéo luật dẫn đến nhiều hệ quả, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật…”- ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

Từ những đánh giá trên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề. Phối hợp và thống nhất làm việc giữa các ban soạn thảo các luật: Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ Môi trường, PPP... Dùng một luật sửa nhiều luật. Đồng thời, cần có thiết chế, cơ quan độc lập giúp Chính phủ rà soát, “gác cổng”. Việc soạn luật cần chuyên nghiệp và độc lập, tách xây dựng pháp luật ra khỏi cơ quan cấp phép.

“Tôi tin rằng, riêng Luật Đầu tư lần này nếu khắc phục được tình trạng chồng chéo sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới”, ông Tuấn khẳng định.

Phải đảm bảo theo tinh thần Hiến pháp

Từ góc nhìn của mình, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) băn khoăn: “Luật Đầu tư chưa sửa đổi được 13 điểm yếu về đầu tư nước ngoài, ở mức độ nào đó chỉ hướng được đầu tư công nghệ cao, và các giám định về đầu tư, vậy làm sao để tiết chế được thế nào là đầu tư sạch và không sạch?”.

Ngoài ra, theo ông, mỗi lần đề xuất ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải tăng cường các quy định, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật. "Tôi cho rằng vấn đề nằm ở khâu thực hiện bởi vì nói về tính cần thiết và sửa đổi điều kiện kinh doanh thì trong văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ hết rồi" - ông Huỳnh nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Phan Lê Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Corpration) đề nghị giữ nguyên quy định như hiện nay, đó là: “Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, dự án thực hiện trên địa bàn của địa phương nào thì chủ đầu tư sẽ thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư tại địa phương đó. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính để thực hiện dự án sẽ tiếp nhận, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 38 Luật Đầu tư năm 2014”.

Đối với quy định về nhóm cổ đông sở hữu cổ phần, ông Hoàng cho rằng, quy định về giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1% thì không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, Luật Đầu tư lần này là tương đối toàn diện. Tuy vậy, tính chất sửa đổi cũng nêu ra một số nội dung cần thảo luận thêm. Tiên quyết, là phải đảm bảo theo tinh thần Hiến pháp, tức là những người dân và doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm.

Bên cạnh đó, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, bởi trong quá trình triển khai thì cũng đã có những vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Liên quan đến môi trường đầu tư, cũng phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu đầu tư quốc tế…Về nguyên tắc, tinh thần làm luật của Quốc hội là áp dụng các quy định pháp luật có lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, đối với dự án Luật Doanh nghiệp, quyền cổ đông quy định tỉ lệ sở hữu 1% hay 10% phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp, quyền của 1% hay 10% phải được xem xét và còn liên quan đến những hợp đồng kinh tế, quản trị doanh nghiệp, do vậy, vấn đề này sẽ phải phân tích toàn diện.

Tại Hội thảo “Góp ý dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cho biết môi trường đầu tư của Việt Nam đã có những chuyển biến thuận lợi, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong 3 năm gần đây tăng khoảng 65-70%, đạt mức cao nhất 20 năm qua. Đến nay, cả nước có khoảng 750.000 DN đang hoạt động. Thu hút đầu tư nước ngoài cũng đạt được kết quả đáng khích lệ, giai đoạn 2016-2018, số lượng dự án đăng ký và vốn đầu tư giải ngân tăng nhanh. Riêng năm 2018, vốn giải ngân đạt gần 20 tỷ USD.

Thanh Dịu