Từ 3 hécta đất trồng lúa cho lợi nhuận thấp, ông Nguyễn Văn Hải (ấp Thị Cầu, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) đã chuyển đổi dần sang mô hình vườn - ao - chuồng khép kín, nuôi trồng các loại đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao, như: ếch, gà ta, vịt đẻ…


Người nông dân này cũng rất năng động trong ứng dụng những mô hình mới, những sáng kiến hay vào sản xuất để có chi phí đầu tư thấp nhất.

Làm sản phẩm thị trường chuộng

Ông Hải kể: “Đất ở đây thuộc vùng nước lợ nên trước nay chỉ có cây lúa phát triển được nhưng năng suất thường không cao. Với mong muốn bắt đất phải “đẻ” ra tiền, tôi bỏ thời gian học hỏi và tự mày mò từ kinh nghiệm thực tế sản xuất để chuyển đổi sang mô hình khép kín vườn - ao - chuồng. Tôi cho xây dựng trại nuôi heo, gà ta, vịt đẻ trứng... chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá, một phần bón cho cây trồng”. Những cây trồng, vật nuôi trong mô hình khép kín của ông đều được chọn lọc kỹ trên cơ sở vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vừa là sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Theo ông Hải, chỉ những cây rễ chùm sinh trưởng tốt trên đất nhiễm mặn, nhiễm phèn nên ông chọn trồng cây sơ ri, dừa xiêm lùn… Nhờ đó, cây trồng vừa đạt năng suất mà trái còn cho vị ngọt đậm đà.

Ông Hải chọn nuôi gà mái, vịt đẻ trứng vì đây đều là những đặc sản rất hút hàng nên luôn bán được với giá cao. Ngoài bán trứng gà, ông còn đầu tư máy ấp để sản xuất giống gà ta cung cấp ra thị trường. Theo ông Hải, trứng vịt Nhơn Trạch là đặc sản xưa nay được thị trường ưa chuộng vì lòng đỏ to, đậm màu, thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng hơn hẳn so với các loại trứng vịt khác ngoài thị trường. Từ lâu, đây đã trở thành đặc sản riêng của địa phương được nhiều người đặt mua làm quà biếu. Vì vịt được nuôi thả đồng, ăn thức ăn hoàn toàn tự nhiên. Cách nuôi này lại giúp nông dân tiết kiệm được chi phí thức ăn vì vịt tự đi mót lúa, cá tép, rau cỏ ngoài đồng, ngoài kênh rạch.

Không ngại thử nghiệm cái mới

Hướng dẫn khách đến tham quan mô hình vườn - ao - chuồng, ông Hải hồ hởi khoe: “Gần đầy, tôi đầu tư nuôi thêm con ếch. Để tiết kiệm chi phí làm chuồng trại, tôi lấy bạt quây thành từng khu bể nhỏ, đổ nước sâm sấp cho con ếch sinh trưởng. Tôi cũng tự thiết kế ống dẫn nước thải thông với từng bể nuôi ếch và chỉ cần vặn van là nước thải tự động xả ra ao cá. Với thiết kế này, tôi có thể thay nước hàng ngày để đảm bảo môi trường sạch cho con ếch phát triển mà không quá tốn công lao động”. Khu chuồng nuôi heo, chuồng gà, vịt... cũng được ông làm sát bờ ao, lợp mái lá không chỉ tạo môi trường mát mẻ, thuận lợi cho vật nuôi phát triển mà còn dễ dàng trong xử lý chất thải thành nguồn thức ăn cho cá.

Vùng trồng lúa tại ấp Thị Cầu kênh rạch nhiều, đồng ruộng chạy dọc theo kênh rạch nên người dân thường phải chèo xuồng đi làm. Việc kéo điện về tận cánh đồng phục vụ sản xuất tốn nhiều chi phí nên ông Hải đã đi tiên phong trong việc sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ông Hải chia sẻ: “Hiện có rất nhiều kênh để nông dân tìm hiểu, tiếp cận cái hay, cái mới trong sản xuất. Ngoài việc bỏ công đi đến nơi để học hỏi kinh nghiệm, tôi có thể ngồi nhà học được những mô hình hay, ứng dụng mới qua các phương tiện thông tin truyền thông. Chịu học hỏi thì dù ở vùng sâu, vùng xa nông dân cũng không sợ bị lạc hậu”.
 

Theo Báo Đồng Nai

.