Nông dân loay hoay "trồng cây gì?"
Cập nhật lúc 18:54, Thứ ba, 26/11/2013 (GMT+7)
"Nông dân chúng tôi có muốn trồng rồi chặt đâu, chỉ tại bây giờ trồng điều, ca cao không còn lãi vì sâu bệnh và năng suất giảm. Rồi có khi những vườn nhãn, quýt, thanh long... mới thay thế được vài năm lại phải chặt để trồng cây khác"... (cây điều, ca cao, đầu ra, mít Thái, nông dân)
“Nông dân chúng tôi có muốn trồng rồi chặt đâu, chỉ tại bây giờ trồng điều, ca cao không còn lãi vì sâu bệnh và năng suất giảm. Rồi có khi những vườn nhãn, quýt, thanh long... mới thay thế được vài năm lại phải chặt để trồng cây khác”...
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, những năm gần đây do sự thay đổi của thời tiết như khô hạn kéo dài, mùa mưa kết thúc sớm... đã khiến cho nhiều loại cây trồng bị dịch bệnh và năng suất giảm. Cùng với đó, giá một số mặt hàng nông sản giảm mạnh, nhiều nông dân phải phá bỏ cây trồng đang cho thu hoạch để thay thế loại cây trồng khác. Đặc biệt là hạt điều, từ đầu vụ 2012-2013 rớt giá liên tục đã làm người dân nản lòng và phải chặt bỏ để trồng cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Tính từ năm 2011 đến nay diện tích điều đã giảm khoảng 1.500 ha trong tổng số 13.000 ha trước đó.
Xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) là địa phương diện tích điều giảm mạnh nhất. Trước đây toàn xã có khoảng 600 ha điều nhưng nay còn khoảng 250 ha. Ông Trần Thanh Hải, một nông dân tại xã Bông Trang đã gắn bó 20 năm với cây điều cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, không chỉ năng suất giảm mà giá hạt điều cũng giảm mạnh nên gia đình tôi đã phải chặt bỏ một phần vườn điều để trồng nhãn. Như năm 2013 này, giá điều chỉ còn 14.000-18.000 đồng/kg (điều tươi), bằng 50% giá mùa trước”. Cũng theo ông Hải, thời gian tới gia đình ông sẽ dần thay thế vườn điều 3 ha của mình bằng nhãn, tiêu, thanh long, quýt là những cây trồng cho giá trị cao hơn.
Nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn tỉnh đang dần phá bỏ vườn điều để chuyển sang cây trồng khác cho thu nhập cao hơn. Cùng “số phận” với cây điều, cây ca cao hiện cũng đang bị nhiều nông dân loại bỏ dần bởi năng suất kém.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, từ đâu năm đến nay người dân đã loại bỏ khoảng 600 ha ca cao trong tổng số 3.200 ha có sản lượng khoảng 400 tấn/năm. Lý do mà họ loại bỏ ca cao để trồng tiêu là giá ca cao không hấp dẫn, khó trồng và dễ bị bệnh.
Trước tình trạng nông dân chặt điều, ca cao để trồng cây khác, Sở NN&PTNT đã khuyến cáo bà con nông dân không nên ồ ạt phá bỏ cây điều. Hạt điều tuy có thời điểm cho giá thấp nhưng xét về lâu dài đây là loài cây có hiệu quả và phù hợp thổ nhưỡng của tỉnh. Đối với cây ca cao, ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất dịch vụ Thành Đạt (huyện Châu Đức) cho rằng, BR-VT được coi là địa phương có thế mạnh để phát triển cây ca cao. Sản phẩm ca cao của tỉnh được thị trường quốc tế đánh giá cao vì có hương vị tốt để chế biến sô cô la, bánh kẹo, vì vậy đầu ra cho cây trồng này khá ổn định. Hiện tại, Thành Đạt đang xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu từ ca cao với vốn đầu tư 30 tỷ đồng tại huyện Châu Đức và xây dựng Trung tâm chuyển giao kỹ thuật cho người trồng. Theo ông Thành, cây ca cao chỉ cho năng suất cao khi được chăm bón đúng quy trình và chọn giống tốt. Ca cao cũng là cây trồng chịu hạn tốt và kháng sâu bệnh cao, phù hợp với thổ nhưỡng của tỉnh.
Tuy nhiên, phần lớn bà con cho rằng, sở dĩ họ chưa thay thế được cây trồng khác là còn thiếu vốn nên mới phải bám trụ vào cây điều, ca cao. Để “tự cứu mình”, nhiều hộ nông dân chạy theo “phong trào” trồng mít Thái Lan. Đây là giống mít siêu sớm so với mít thông thường và đang được thương lái Trung Quốc thu mua số lượng lớn. Trước xu hướng trồng mít Thái phát triển, ngành nông nghiệp đã đưa ra cảnh báo, giá mít Thái phụ thuộc vào thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Mặt khác, giống mít này chỉ phù hợp để ăn tươi và đóng hộp. Trong nước, loại mít này không được doanh nghiệp chế biến mít khô ưa chuộng bằng mít nghệ của Việt Nam vì nhanh mất vị ngọt, cứng và nhạt màu. Vì thế, nông dân phải cẩn thận khi nghĩ tới việc chặt bỏ điều, ca cao để chuyển sang trồng mít hay các loại cây trồng khác mà chưa chắc chắn về đầu ra.
Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu
.